Giá tiêu vẫn tiếp tục giảm
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những ngày đầu tháng 8, giá hạt tiêu đen trong nước giảm. So với ngày 31/7, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,1 - 2,3%.
Cụ thể, ngày 12/8, giá hạt tiêu đen thấp nhất ở mức 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai; cao nhất ở mức 45.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giá hạt tiêu trắng ổn định so với cuối tháng 7, ở mức 69.000 đồng/kg, nhưng thấp hơn mức 83.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 7, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 2.547 USD/tấn, tăng gần 4% so với tháng 6, nhưng giảm 18% so với tháng 7/2018.
Diễn biến 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kì năm trước.
Cơ cấu sản phẩm tiêu chế biến chưa hợp lí
Cục Xuất nhập khẩu cho biết Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu dưới dạng thô mà chưa đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu như chế phẩm trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng hoặc những sản phẩm có liên quan.
Để phát triển bền vững trong bối cảnh giá hạt tiêu ở mức thấp như hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ngành công nghiệp chế biến hạt tiêu của Việt Nam cần phải hướng tới tạo ra những sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh tiêu.
Trong đó, 60 doanh nghiệp chế biến và trực tiếp xuất khẩu. Trong số này, có 18 doanh nghiệp chế biến lớn với công suất khoảng 80.000 tấn/năm, 14 nhà máy có hệ thống xử lý tiêu qua hơi nước với công nghệ khá hiện đại, đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA.
Sản phẩm tiêu chế biến chủ yếu bao gồm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối,...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng cơ cấu sản phẩm tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Giá tiêu dự báo tiếp tục giảm
Cục Xuất khẩu dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp do sản lượng hạt tiêu của Brazil tăng, trong khi sản lượng hạt tiêu của Indonesia giữ nguyên so với năm 2018.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nông dân trồng tiêu Brazil đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch chính.
Sự mở rộng phát triển diện tích trồng mới từ năm 2015-2016 cùng với điều kiện canh tác tốt, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất tiêu hứa hẹn mùa vụ bội thu cho các vùng trồng tại Brazil. Sản lượng dự kiến năm 2019 đạt 90.000 tấn.
Theo thống kê của Cộng đồng tiêu Quốc tế (IPC), lượng xuất khẩu tiêu của Brazil trong quý I/2019 đạt 27.000 tấn, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 24% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Lượng xuất khẩu tăng đáng kể nhờ vào chất lượng tiêu Brazil luôn ổn định và giá cả cạnh tranh hơn so với các quốc gia sản xuất khác. Giá tiêu xuất khẩu Brazil nửa đầu tháng 6 đạt 2.400 USD/tấn, tăng 6,7% so với tháng 5.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết xu hướng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đặc biệt là thuốc diệt cỏ glyphosate của nông dân Brazil trong thời gian qua đang được các chuyên gia cảnh báo và phần nào sẽ tác động đến chất lượng tiêu Brazil trong thời gian tới.
Giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Indonesia trong tháng 4 và 5 giảm do ảnh hưởng nguồn cung. Nửa đầu tháng 6/2019 giá nội địa và xuất khẩu tăng nhẹ.
Theo báo cáo mới nhất của IPC, năm 2019, xuất khẩu tiêu của Indonesia được dự đoán sẽ giảm 22% so năm 2018 và ước tính đạt 37.000 tấn, bao gồm 12.000 tấn tiêu đen và 25.000 tấn tiêu trắng.
Sự sụt giảm này đi cùng với xu hướng giảm năng suất tiêu ở Indonesia. Theo IPC trong 3 tháng đầu năm 2019, lượng hàng xuất khẩu của Indonesia tăng 50% so với cùng kì năm trước đạt 12.000 tấn.
Tháng 5, Indonesia đã ban hành chính sách tạm dừng xuất khẩu tiêu trắng sang Việt Nam và thay vào đó sẽ xuất sang Ấn Độ và châu Âu để đảm bảo giá bán tốt cho nông dân nhằm tăng thu nhập và phúc lợi cho các hộ gia mà không qua các quốc gia trung gian khác.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng