Nghị định thư bước ngoặt
Trong dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh (Trung Quốc) theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 25/4 đến ngày 27/4/2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Ni Yeu Feng đã ký 3 văn kiện hợp tác quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Gồm: Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam XK sang Trung Quốc (Nghị định thư về XK sữa); Nghị định thư về yêu cầu KDTV đối với măng cụt XK từ Việt Nam sang Trung Quốc và Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế ngăn chặn và kiểm soát sâu bệnh thực vật tại khu vực biên giới giữa hai nước.
|
Trang trại bò sữa Organic Đà Lạt của Vinamilk. |
Việc nghị định thư về XK sữa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc được xem là một bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội vô cùng lớn cho sản phẩm sữa của Việt Nam XK chính ngạch sang thị trường 1,4 tỉ dân. Đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi và chế biến sữa, phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa của Việt Nam từng bước hiện đại hóa...
Sản phẩm sữa đề cập trong Nghị định thư là sữa và các thực phẩm được chế biến với sữa là nguyên liệu chính, bao gồm sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa đặc công thức, sữa bột, sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa lên men... cùng nhiều sản phẩm từ sữa như phô mai và phô mai chế biến, kem, bơ, chất béo khan từ sữa, bột sữa non... Vì vậy, Nghị định thư còn là cơ hội rất tốt cho các ngành SX nguyên phụ liệu sữa như trồng điều, hạt macca, xoài, dâu… trong tương lai.
Nhằm tranh thủ cơ hội lớn này, ngay sau khi Nghị định thư về XK sữa được ký kết, Bộ NN-PTNT đã khẩn trương bắt tay vào việc triển khai lựa chọn DN, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong SX chế biến sữa; đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi bò sữa.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sữa nguyên liệu và các sản phẩm thành phẩm; tổ chức kiểm tra giám sát nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm soát tồn dư... trên sữa nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc. Theo đó, Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội sữa Việt Nam đã thống nhất lựa chọn 5 DN lớn đăng ký để XK sữa đợt đầu tiên sang thị trường Trung Quốc gồm Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Hà Nội Milk và NutiFood.
Đáp ứng khả quan các yêu cầu của Trung Quốc
Đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB) của đàn bò sữa và các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP), quy định về giám sát tồn dư trên sữa XK là hai yêu cầu căn bản nhất để XK sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, đàn bò khai thác sữa phục vụ XK phải được giám sát và đảm bảo ATDB đối với 3 bệnh gồm LMLM, bệnh lao bò và bệnh nhiệt thán.
Với chủ trương trước hết lấy các trại bò sữa tập trung của các DN lớn làm hạt nhân cho nguồn nguyên liệu phục vụ XK sang thị trường Trung Quốc, thời gian qua, Cục Thú y phối hợp với các DN đã khẩn trương triển khai việc lấy mẫu kiểm tra, giám sát đối với 3 loại bệnh LMLM, lao bò và nhiệt thán theo yêu cầu của Nghị định thư về XK sữa (Trung Quốc thực hiện giám sát dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới - OIE).
Cụ thể đến thời điểm này, đã có tổng cộng 13 trang trại bò sữa nuôi tập trung của 5 DN đăng ký XK lần đầu, với tổng đàn bò đang khai thác sữa khoảng 60 nghìn con. Trong đó, 100% số trại đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM.
|
Ngành sữa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để XK sang thị trường Trung Quốc (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm NM chế biến sữa của Mộc Châu Milk). |
Đối với bệnh LMLM, Cục Thú y đã tiến hành lấy mẫu giám sát đối với hơn 1.600 mẫu (tính đến giữa tháng 8/2019), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả mẫu đều có kết quả âm tính với virus LMLM. Đối với bệnh lao bò, đã kiểm tra phát hiện bệnh lao bò bằng phản ứng tiêm nội bì đối với 30.820 con, kết quả cho thấy toàn bộ đều âm tính với bệnh lao bò.
Đối với bệnh nhiệt thán, phía Trung Quốc chỉ yêu cầu theo dõi giám sát lâm sàng, theo đó qua giám sát hơn 1.000 con bò sữa tại 13 trại của 5 DN (trong tổng số gần 60 nghìn con) đều không có dấu hiệu của bệnh nhiệt thán. Đây là kết quả ban đầu hết sức thuận lợi, khả quan về giám sát dịch bệnh trên đàn bò khai thác sữa phục vụ XK theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Bên cạnh các trang trại chăn nuôi trực tiếp khai thác sữa nguyên liệu XK, Nghị định thư về XK sữa cũng yêu cầu vùng vệ tinh xung quanh trang trại với bán kính 10km phải đảm bảo ATDB đối với 3 bệnh LMLM, lao bò và nhiệt thán.
Theo đó, hiện các DN tham gia đăng ký XK sữa sang Trung Quốc đều đã đồng tình cao với phương án xây dựng vùng ATDB đối với 3 bệnh trên tại các vùng có trang trại bò khai thác sữa phục vụ XK. Đây cũng là định hướng mà các địa phương, DN rất tích cực ủng hộ mang tính chiến lược lâu dài, trước mắt là ATDB đối với 3 bệnh theo yêu cầu đối với sữa XK sang Trung Quốc, tiến tới vùng ATDB đối với nhiều bệnh khác.
Trước mắt, Cục Thú y cho biết sẽ xây dựng vùng ATDB đối với đàn bò sữa trang trại tập trung quy mô lớn của Vinamilk tại Tây Ninh, cùng 9 trang trại khác của Vinamilk. Ngoài tỉnh Tây Ninh, Cục Thú y cũng đang phối hợp với các địa phương và DN xúc tiến việc xây dựng vùng ATDB cho đàn bò tại các tỉnh khác như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng... theo đề nghị của các DN đăng ký XK.
|
Chăn nuôi bò sữa organic. |
TH True Milk cho biết, thuận lợi của DN này đó là 10 năm qua, Cty đã thực hiện giám sát bệnh LMLM đều đặn hàng năm trên đàn bò sữa nuôi tập trung tại Nghệ An, đồng thời tổ chức giám sát, xây dựng vùng ATDB với bán kính từ 10 - 20km. Hiện nay, TH True Milk cũng đang triển khai xây dựng vùng ATDB tại Nông Cống (Thanh Hóa).
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, việc xây dựng vùng ATDB đối với đàn bò sữa đã được Cty triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên với đặc thù chăn nuôi liên kết nông hộ (với quy mô trung bình chỉ 45 con/hộ, cao nhất 200 con/hộ), để đảm bảo nguồn sữa nguyên liệu phục vụ XK sang Trung Quốc an toàn nhất, chủ trương của Cty trước hết sẽ lấy nguồn sữa nguyên liệu của các trại chăn nuôi tập trung của Cty, gắn với chế biến sản phẩm có lợi thế, chắc ăn.
Tự tin “trình làng” sản phẩm
Tại hội nghị triển khai XK sữa sang thị trường Trung Quốc mới đây, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Hiệp hội sữa Việt Nam cùng 5 DN đăng ký XK đã đặt kế hoạch trong tháng 10/2019, phải hoàn tất mọi thủ tục để lô sữa đầu tiên của Việt Nam được chính thức XK sang thị trường Trung Quốc.
|
Dây chuyền đóng hộp của Mộc Châu Milk. Ảnh: Đinh Tùng. |
Dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu thụ sữa của Trung Quốc sẽ vào khoảng 40 triệu tấn, trong đó lượng sữa tươi NK khoảng 750 nghìn tấn và khoảng 650 nghìn tấn sữa bột. Nếu kịp thời tháo gỡ được các yêu cầu để XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành sữa Việt Nam sẽ có cơ hội chen chân vào thị trường khổng lồ này ngay trong năm 2019.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, trước mắt, các DN đăng ký XK sẽ lựa chọn một số sản phẩm sữa có thế mạnh, đảm bảo nhất về chất lượng như sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng để XK sang thị trường Trung Quốc. Hiện tại, các DN đăng ký XK sữa của Việt Nam cũng đã có các đối tác NK của phía Trung Quốc.
Theo đó thời gian qua, các đối tác NK tại Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh triển khai việc quảng bá, giới thiệu, “trình làng” các dòng sản phẩm sữa của các DN Việt Nam, nhất là tại các hội chợ lớn nhằm sẵn sàng cho việc NK sản phẩm sữa “Madein Việt Nam” phân phối tại thị trường Trung Quốc.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Sữa Hà Nội (Hà Nội Milk), một trong số 5 DN đăng ký XK sữa sang Trung Quốc cho biết: XK sữa sang thị trường Trung Quốc là chiến lược mà Hà Nội Milk đã nung nấu suốt từ năm 2012 đến nay.
Trước đây, để mở cửa được thị trường, đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện XK sữa sang Trung Quốc là điều mà các DN sữa của Việt Nam cho rằng hết sức xa vời.
Tuy nhiên, với việc Nghị định thư về XK sữa được ký kết, cùng hàng loạt các hành động đã được Bộ NN-PTNT vào cuộc triển khai quyết liệt thời gian qua nhằm đáp ứng các yêu cầu về thủ tục XK và yêu cầu kỹ thuật, đến nay, ngành sữa Việt Nam đã tiến một bước rất dài, và có thể lạc quan về việc sữa Việt Nam được XK sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
“Hiện Hà Nội Milk đã thành lập sẵn một Cty thành viên tại Bằng Tường (Trung Quốc) một hệ thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn GMP của Trung Quốc, và có thể sẵn sàng XK sữa cho chính Cty thành viên này.
Mặc dù mục tiêu XK lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 10/2019 là hết sức khó khăn, tuy nhiên Hà Nội Milk sẽ nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN-PTNT khen thưởng cho DN nào XK được lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019”, ông Hà Quang Tuấn bày tỏ quyết tâm.
Đại diện Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng cho biết, đã sẵn sàng các điều kiện để phía Trung Quốc kiểm tra đánh giá cả về trang trại chăn nuôi bò sữa nguyên liệu và hệ thống dây chuyền chế biến theo các yêu cầu kỹ thuật của phía Trung Quốc. Trước mắt, Vinamilk sẽ chọn từ 1 - 2 sản phẩm sữa có kiểm soát chất lượng, thế mạnh cạnh tranh nhất để XK sang thị trường Trung Quốc.
Về yêu cầu giám sát chất tồn dư trên sữa phục vụ XK sang Trung Quốc, Cục Thú y đã quán triệt và phổ biến rõ cho các DN đăng ký XK, tổ chức thực hiện Kế hoạch Quốc gia về giám sát chất tồn dư theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Theo đó tính đến giữa tháng 8/2019, Cục đã tiến hành lấy mẫu được trên 300 mẫu sữa tại các cơ sở vắt sữa, cơ sở chế biến sữa thuộc 5 DN đăng ký XK sữa để phân tích, giám sát đối với trên 200 chỉ tiêu nhiều nhóm chất tồn dư theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Đáng mừng là kết quả rất tốt, chưa phát hiện ra các chất tồn dư có nguy cơ. Hiện Cục Thú y vẫn đang tiếp tục phân tích tồn dư đối với một số nhóm chất khác theo quy định của phía Trung Quốc.
Về việc đăng ký các DN tham gia XK sữa, Cục Thú y đã tổ chức hướng dẫn các DN triển khai đăng ký trên hệ thống mạng trực tuyến với Cục Thú y.
Trên cơ sở đó, Cục Thú y sẽ chuyển cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cập nhật danh sách, cấp mã số cho các DN đăng ký XK sữa vào nước này.
Theo đó đến thời điểm này, tất cả 5 DN đăng ký XK đợt đầu đã hoàn thành việc cung cấp thông tin DN theo yêu cầu của Trung Quốc và đã lấy được mã DN cũng như mã cost truy cập hệ thống trong quá trình kê khai hàng hóa trên hệ thống hải quan điện tử của phía Trung Quốc.
Hiện Cục Thú y cũng đã nhận được mẫu giấy kiểm dịch của phía Trung Quốc, theo đó Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu rất cụ thể, chặt chẽ về thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa như: Tên cơ quan thực hiện kiểm dịch; tên, địa chỉ đơn vị XK; đơn vị nhập NK; quy cách đóng gói, kiện hàng, số lô SX, ngày SX, ngày hết hạn... Cục Thú y cũng đã gửi các mẫu dấu của các cơ quan kiểm dịch thuộc Cục Thú y để đưa vào danh sách và công bố trên hệ thống hải quan điện tử của Trung Quốc.
(Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y)
|
Quy định nhập khẩu và ATTP đối với sản phẩm sữa của Trung Quốc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), ngoài các quy định về thủ tục đăng ký doanh nghiệp XK thực phẩm, sữa và sản phẩm sữa khi XK vào Trung Quốc phải thực hiện các quy định sau:
Về ghi nhãn: Thực hiện theo Quy chuẩn quốc gia về ghi nhãn hàng hóa của Trung Quốc, cụ thể là Quy chuẩn về nhãn mác hàng thực phẩm có bao gói, gồm: Tên sản phẩm; nguyên liệu (bao gồm cả phụ gia); trọng lượng tịnh; ngày SX; hạn sử dụng; phương pháp bảo quản; quốc gia SX; dung tích; tên, địa chỉ, số điện thoại DN nhập khẩu; các nội dung yêu cầu khác (tùy theo mặt hàng).
Đồng thời, phải thực hiện thêm việc ghi nhãn theo Quy chuẩn quốc gia về ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm đã bao gói, gồm: Nội dung bắt buộc (năng lượng, chất béo, đường, khoáng chất, carbonhydrat, natri và giá trị dinh dưỡng tham chiếu (NRV - Nutrient reference value), tỷ lệ %). Đối với sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, cần phải ghi rõ thành phần bổ sung đó, hàm lượng và giá trị dinh dưỡng tham chiếu (NRV) theo tỷ lệ %.
Về quy định ATTP với sữa: Gồm quy chuẩn về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm (chì, thủy ngân, asen, thiếc, crom, nitrite) và Quy chuẩn về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm. Quy chuẩn về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm gồm: Quy chuẩn về phụ gia thực phẩm được sử dụng; Quy chuẩn về phụ gia thực phẩm hỗn hợp; Quy chuẩn vệ sinh an toàn đối với các chất tăng cường dinh dưỡng thực phẩm; Các phụ gia thực phẩm mới; Quy chuẩn riêng với từng loại sữa (sữa tươi nguyên liệu, sữa bột, sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa đặc, sữa đặc có đường và sữa đặc có công thức, kem, bơ và sữa khan, sữa biến tính, sữa lên men)...
|
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi đã xây dựng quy trình để trình Bộ phê duyệt một quy trình có tính đặc biệt hướng dẫn thực hành chăn nuôi bò sữa an toàn phục vụ XK sang thị trường Trung Quốc. Quy trình này được xây dựng dựa trên sự tổng hợp các quy trình đã có trước đây về thực hành an toàn đối với trang trại chăn nuôi bò sữa, tuy nhiên sẽ được bổ sung thêm các quy định theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Về cơ bản, quy trình này sẽ có rất nhiều nhóm yêu cầu như giống, thức ăn, dịch bệnh, vắt sữa, truy xuất nguồn gốc, xử lí môi trường... tại cơ sở chăn nuôi bò sữa, cơ sở thu gom sữa và cả quản lí chất lượng sữa tươi nguyên liệu, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP, truy xuất nguồn gốc..."
(Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi)
|
Theo Nông nghiệp Việt Nam