Nằm tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, với lợi thế về địa hình đa dạng, thổ nhưỡng màu mỡ và khí hậu ôn hòa, Phú Yên đã được định hướng trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) của khu vực Nam Trung Bộ cũng như cả nước.
Tỉnh đã quy hoạch thành công nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hình thành nên chuỗi cung ứng liên kết, trong đó đáng chú ý là Khu NNUDCNC Phú Yên được thành lập năm 2013, là 1 trong 10 khu NNUDCNC trong quy hoạch tổng thể của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, ngay từ khi đi vào hoạt động, ban quản lý dự án đã tập trung đầu tư về hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật để mời gọi, đón nhận các nhà đầu tư vào đây khai thác. Sự có mặt của những nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh tại Khu NNUDCNC Phú Yên được đánh giá sẽ giúp địa phương đổi mới công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm chủ lực và qua đó thúc đẩy việc đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương.
Trên cơ sở này, ngày 20/2/2019, Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao FLC FAM - Phú Yên.
Đây là một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn trên diện tích gần 100 ha, bao gồm 3 phân khu chính: Khu trung tâm quản lý; Khu kỹ thuật nghiên cứu thực nghiệm, trình diễn; Khu sản xuất và các khu vực dành cho công trình hạ tầng, cảnh quan cây xanh.
Nhiều công nghệ tiên tiến trong canh tác, bảo quản và chế biến như công nghệ lai tạo, nuôi cấy mô; công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá; công nghệ đóng hộp và chế biến… sẽ được áp dụng tại đây để đưa FLC FAM - Phú Yên trở thành một trung tâm cung cấp nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu hàng đầu tại Phú Yên.
Theo kế hoạch của Công ty TNHH Nông nghiệp FLC Biscom, sau khi đi vào hoạt động, dự án FLC FAM - Phú Yên sẽ tập trung đầu tư chính vào các giống cây trồng như: Thanh long, chanh dây, dưa lưới - những sản phẩm xuất khẩu chủ lực và một số giống cây trồng khác như: nho đen, nho sữa, mãng cầu dai, dưa leo, cà chua…
Không chỉ đáp ứng mục tiêu ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, sản xuất sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng an toàn, FLC FAM - Phú Yên còn xây dựng các trung tâm đào tạo cán bộ và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình liên kết với cộng đồng cư dân quanh vùng dự án.
“Đây là dự án mang dấu ấn đặc biệt không chỉ với Khu NNUDCNC Phú Yên mà với nền nông nghiệp của toàn tỉnh nói chung, giúp Phú Yên cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách hiệu quả theo hướng hiện đại hóa. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu trong canh tác, bảo quản và chế biến, dự án không những tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của Phú Yên với giá trị gia tăng cao”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhận định.
Đánh giá cao ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của dự án, đại diện lãnh đạo Phú Yên cam kết sẽ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, thường xuyên theo dõi, phối hợp và hỗ trợ chủ đầu tư một cách tối đa để doanh nghiệp yên tâm tập trung nguồn lực, đưa dự án vận hành đúng tiến độ và hiệu quả.
Nâng tầm nông sản Việt
FLC FAM - Phú Yên là dự án nằm trong chiến lược đầu tư trọng điểm vào NNUDCNC của Tập đoàn FLC trong nhiều năm qua, với thương hiệu FLC FAM. Đến nay, các vùng sản xuất, canh tác rau củ quả quy mô lớn với công nghệ hiện đại của FLC FAM đã được triển khai thành công tại Vĩnh Thịnh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quy Nhơn và đang tiếp tục mở rộng trên nhiều tỉnh thành với hơn 30 dự án đang trong quá trình xúc tiến pháp lý và nghiên cứu đầu tư.
Được sản xuất theo công nghệ canh tác, bảo quản và chế biến tiên tiến, các sản phẩm rau củ quả chất lượng cao như dưa lưới, thanh long của hệ thống FLC FAM đã đến tay người tiêu dùng trong nước và chuẩn bị xuất khẩu theo đường chính ngạch tới các thị trường quốc tế khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc…
|
Canh tác dưa lưới theo mô hình công nghệ cao tại một nông trường của FLC FAM |
“Hợp tác với nhiều đối tác uy tín tại những khu vực có nền nông nghiệp tiên tiến như châu Âu, châu Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, mục tiêu của chúng tôi là kiến tạo các vùng lõi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cung cấp sản phẩm chất lượng; góp phần liên kết hỗ trợ người nông dân trong vùng sản xuất; đồng thời tiến hành bảo hộ thương hiệu và nâng tầm vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Bùi Hải Huyền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC chia sẻ tại lễ khởi công FLC FAM - Phú Yên.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật khi lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nông sản lập kỷ lục hơn 40 tỷ USD năm 2018.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức khi quy mô sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, khả năng ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Đáng chú ý, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Trong bối cảnh này, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ những doanh nghiệp lớn có định hướng đầu tư đồng bộ trong lĩnh vực NNUDCNC được xem là một hướng đi tất yếu nếu muốn đưa Việt Nam vào danh sách 15 quốc gia phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2030 theo kỳ vọng của Chính phủ.