Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Peru: Xuất khẩu mực khổng lồ năm nay dự kiến tăng 20%
01 | 11 | 2019
Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý bền vững mực khổng lồ Nam Thái Bình Dương (Calamasur), Alfonso Miranda, XK các sản phẩm từ mực khổng lồ hay 'pota' (Dosidicus gigas) của Peru dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2019.

Miranda cho biết, XK các sản phẩm này của Peru lên tới 622 triệu USD vào năm 2018. Ngoài ra, việc khai thác và chuỗi giá trị mực khổng lồ tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 100.000 người ở quốc gia này.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), 3.770.000 tấn mực được khai thác hàng năm trên thế giới. Trong đó, Pêru XK khoảng 14% sản lượng mực toàn cầu, Chile chiếm khoảng 4% và Trung Quốc XK 22%. Phần lớn sản lượng mực khai thác của Trung Quốc được đánh bắt ở Nam Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển của Peru, Chile và Ecuador.

Miranda cũng cảnh báo rằng "hơn 300 tàu Trung Quốc đang sử dụng cảng ở Peru để cung cấp nhiên liệu, thiết bị sửa chữa và sử dụng các nhà máy đóng tàu, dịch vụ hậu cần nhằm dễ dàng hoạt động hơn trên bờ biển Nam Mỹ". Do đó, Miranda cho rằng các tàu khai thác ở vùng biển xa phải được giám sát chặt chẽ bởi các thiết bị vệ tinh, các quan sát viên trên tàu và các quy định trung chuyển nghiêm ngặt.

Peru đã giảm sản lượng mực khổng lồ ở Nam Thái Bình Dương từ 533.000 tấn trong năm 2008 xuống còn dưới 295.000 tấn, trong khi Trung Quốc tăng từ 79.000 lên 296.000 tấn ở vùng biển Nam Mỹ trong cùng thời điểm. Gần đây, Calamasur đã tham gia hội thảo về mực lần thứ hai và cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban khoa học của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFO).

Tại cuộc họp, Miranda cho rằng, các cải tiến vượt bậc đã được thực hiện liên quan đến việc đánh giá, nghiên cứu di truyền và quần thể mực khổng lồ. Tuy nhiên, các khía cạnh khác như cải thiện số lượng và chất lượng dữ liệu khai thác và thu thập các mẫu sinh học cần được giải quyết .

Khả năng áp dụng giới hạn khai thác và cường lực khai thác cần được nghiên cứu thêm, cũng như việc không cho phép tiếp cận tạm thời vùng biển trong khu vực thuộc thẩm quyền của SPRFMO, có tính đến các đặc điểm của đội tàu thủ công của các quốc gia tương tác với nhau trong những vùng biển này.



Theo Fisnews
Báo cáo phân tích thị trường