Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung Ương Đoàn tổ chức.
Vòng chung kết có 29 dự án tham gia, đến từ 22 tỉnh, thành là Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Nông, Vũng Tàu, Đắk Lắk và TP.HCM.
Quách Yến Phượng (An Giang) – Dự án: Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu. Quyết định nghỉ việc ở ngân hàng để khởi nghiệp từ cây dược liệu địa phương, bạn Quách Yến Phương đã kết hợp với ngành kiểm lâm, liên kết với người dân địa phương triển khai mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây xạ đen xen ở những cánh rừng ở núi Thiên Cấm Sơn, tỉnh An Giang, vừa giúp bảo tồn dược liệu quý, vừa cung cấp sản phẩm trà dược liệu gồm các loại: trà lá dùng thay nước lọc hàng ngày, trà túi lọc hay trà hòa tan.
Hứa Thị Rokyah (An Giang) – Dự án: Kế hoạch sản xuất , kinh doanh Tung lò mò (lạp xưởng bò) dân tộc Chăm. Với điều kiện thuận lợi gia đình có cơ sở sản xuất “tung lò mò” – một loại lạp xưởng bò đặc sản của người Chăm, độc đáo từ nguyên liệu cho đến cách chế biến. Rokyah. Cô gái Chăm tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh đã cùng gia định mở rộng quy mô sản xuất & đầu tư máy móc chuyên nghiệp để gia tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng nhiều, cũng là cơ hội cho những phụ nữ Chăm có cơ hội tham gia SX kiếm thêm thu nhập.
Lê Thị Kim Cương (Bình Dương) – Dự án: Giải pháp mảng xanh IOT trong đô thị cao tầng gắn kết với chuỗi cung cầu nông nghiệp bền vững. Thông qua thiết bị “Kệ rau thông minh trong nhà”với các mô đun tháo ráp có thể tăng diện tích kệ theo diện tích nhà, linh động trong từng không gian nội thất của khách hàng.nhóm các bạn trẻ Lê Thị Kim Cương đã phát triển thêm một giải pháp để nâng cao giá trị rau sạch đến bàn ăn mọi gia đình từ nguồn ánh sáng, nước và dinh dưỡng (chuẩn USDA) đều được canh tự động trực tiếp hoặc thông qua hệ thống tự động đã được cài đặt sẵn.
Đào Duy Trường (Cao Bằng) – Dự án: Sản xuất dâu tây công nghệ cao và hoa hồng gắn liền với du lịch nông nghiệp tại TP Cao Bằng. Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống sản xuất dâu tây công nghệ cao, cung cấp sản phẩm dâu tây an toàn cho người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu dâu tây Cao Bằng; đồng thời phát triển vườn hoa hồng trên 120 chủng loại nội và ngoại, phục vụ nhu cầu trồng và tham quan du lịch. Đặc biệt là phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng tuyến du lịch sinh thái và lịch sử tâm linh chùa Viên Minh – Đền Quan Triều.
Lê Thị Thư (Đăk Lăk) – Dự án: Nâng cao giá trị của nghệ, thương hiệu tinh nghệ EPIS. Tận dụng ưu thế sản xuất ngay giữa vùng nguyên liệu ở cao nguyên M’ Đrăk, với kinh nghiệm trồng nghệ nhiều năm, nguyên liệu nghệ củ được lựa chọn đúng loại đạt tinh bột và hàm lượng curcumin cao.Sản phẩm “ EPIS – Tinh bột nghệ nếp đỏ cao nguyên “ Lê Thị Thư đã sử dụng máy móc & kĩ thuật tiên tiến sản xuất theo mô hình khép kín, nhằm mang đến dòng sản phẩm tinh bột nghệ chất lượng.
Nhóm của Trần Đức Hòa (Đồng Nai) – Dự án: Thu gom và phân loại tái chế xử lý rác thải sinh hoạt. Trước tình trạng rác thải sinh hoạt tràn ngập tại các tuyến đường và trong hệ thống mương, suối, ao hồ của xã mà chưa có hệ thống thu gom hợp lý, bạn Trần Đức Hòa đã thành lập Tổ hợp tác thu gom rác thải nhằm vừa tạo việc làm cho các bạn đoàn viên trong xã, đồng thời giúp cho tình trạng vứt rác xuống ao hồ giảm đáng kể& đã tạo được ý thức cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Nguyễn Thị Xuyến (Đăk Nông) – Dự án: Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Học chuyên ngành thực vật, Nguyễn Thị Xuyến tự nuôi cấy mô để làm ra sản phẩm Đông trùng hạ thảo. Vừa tự sản xuất đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn cùng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo để có thu nhập và giảm giá thành sản phẩm. Hiện nay cơ sở của Xuyến đang hướng đến các dòng sản phẩm: nấm tươi, nấm khô đóng hộp dạng túi trà, rượu Đông trùng hạ thảo và mật ong Đông trùng hạ thảo.
Dương Thị Hồng Chuyên (Đồng Tháp) – Dự án: Khô Ba Khía. Với nguồn tài nguyên dồi dào kết hợp với việc tạo giá trị gia tăng cho thủy sản tại địa phương, Dương Thị Hồng Chuyên đã dùng phương pháp sấy khô bằng nhiệt mặt trời trong nhà kín để cho ra đời các dòng sản phẩm: khô cá chưa qua chế biến và khô rim ăn liền. Với trọng lượng sản phẩm tiện dụng kết hợp mẫu mã bao bì thân thiện, dễ bảo quản và vận chuyển, Cơ sở Khô ba Khía đã luôn có nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Trương Lê Huy Hoàng (Đồng Tháp) – Dự án: Khô trâu Quang Hiển. Năm 2017, Trương Lê Huy Hoàng đã thành lập cơ sở Khô trâu Quang Hiển tại Đồng Tháp. Với kiến thức sẵn có lúc còn làm Thầy giáo dạy Sinh, Huy Hoàng đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất chế biến để sản phẩm dễ bảo quản, có độ dai – mềm vừa ăn. Sản phẩm của Khô Trâu Quang Hiển trở thành món snack, khô với nhiều loại gia vị đặc trưng được thị trường và người tiêu dùng ưa thích.
Trịnh Thị Thanh Hòa (Hòa Bình) – Dự án:Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng & sản xuất các sản phẩm của cây Sachi. Là Thạc sĩ ngành nông nghiệp, Thanh Hòa biết giá trị dinh dưỡng cao của Cây Sachi đã được khảo nghiệm tại học viện Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2014, từ đó Hòa tìm giống trồng thử. Đến 2017, Hòa bắt đầu thu hoạch và làm ra các sản phẩm từ cây Sachi, Đồng chia sẻ về giống, kỹ thuật canh tác cùng người dân bản xứ, với mục tiêu từng bước giúp tăng thu nhập cho người dân, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc Tày của mình.
Nguyễn Kim Thùy (Hậu Giang) – Dự án: Mở rộng cơ sở nuôi và chế biến cá thát lát Kỳ Như. Xuất phát từ hộ nông dân chuyên chăn nuôi các loại thủy sản và nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cá thác lác ở người tiêu dùng rất lớn, nhưng điều ngán ngại nhất là cá thác lác rất nhiều xương & chỉ có thể sử dụng làm chả cá. Với suy nghĩ mang đến sự tiện dụng & nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, chị Nguyễn Kim Thùy đã nghiên cứu, cho ra dòng sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị để phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Huỳnh Thị Kim Hoàng (trái) (Long An) – Dự án: Xây dựng thương hiệu mỹ phẩm “Hafabo – Trẻ hóa từ thiên nhiên”. Là vận động viên khuyết tật bộ môn bơi lội, Kim Hoàng luôn trăn trở về sử dụng thuốc tẩy trong hồ bơi & nắng nóng nên với kiến thức chuyên môn đã được học tại Trường ĐH Nguyễn tất Thành, Kim Hoàng đã tự tìm tòi & nghiên cứu để cho ra dòng sản phẩm dầu gội được làm các loại cỏ cây, thảo mộc thiên nhiên của vùng quê Long An kết hợp với phương pháp nấu truyền thống để SX ra dầu gội không bọt 100% thảo dược thiên nhiên.”
Phạm Hồng Sơn (Hưng Yên) – Dự án: FAGO 4.0 Nông dân bứt phá. Với mục tiêu giúp người nông dân Thống kê và cảnh bảo về tiểu khí hậu môi trường chăn nuôi để nâng cao năng suất chăn nuôi, trồng trọt. và kết nối người nông dân với các chuyên gia nông nghiệp để kịp thời giải quyết các vấn đề về điều trị bệnh vật nuôi, cây trồng.Dự án “ FAGO 4.0 Nông dân bứt phá” của nhóm Phạm Hồng Sơn đã tập trung phát triển dịch vụ: cung cấp thiết bị phần cứng IOT ứng dụng thực tế ngành chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ.
Nguyễn Ngọc Hương – Nguyễn Hồng Bắc (TP.HCM) – Dự án: Chế biến các loại bột rau ăn lá bằng phương pháp sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp. Xuất phát điểm là cử nhân kế toán – tài chính nhưng Nguyễn Ngọc Hương bắt đầu khởi nghiệp với bột rau má. Điểm khác biệt trong sản phẩm bột rau uống liền của Hương là được sản xuất theo công nghệ sấy lạnh tiệt trùng, vẫn giữ nguyên vẹn hương vị gốc và màu sắc tự nhiên của rau, ngoài ra bột rau được nghiền bằng cối đá Granit nên sờ vào sẽ có cảm giác mềm mịn, đạt đến độ có thể hòa tan trong nước một cách dễ dàng.
Dương Hữu Điện (Lạng Sơn) – Dự án: Chiết xuất gia vị nước sốt quả mác mật. Mắc Mật giàu chất dinh dưỡng là nguyên liệu đặc trưng của các loại nước chấm của đồng bào vùng cao, nhất là ở Lạng Sơn lá mắc mật gắn liền với các loại thịt nướng.Dương Hữu Điện với mong muốn sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cộng với công thức chế biến riêng đã sản xuất ra loại gia vị sốt Mắc mật có hương vị đặc trưng tạo ra hương vị mới nhằm tăng thêm giá trị cho nguyên liệu gia vị của địa phương.
Vù A Và (Lào Cai) – Dự án: Du lịch cộng đồng thôn Nậm Cang. Là thanh niên người H’Mông, luôn suy nghĩ về việc Làm gì để giữ được núi rừng của bản làng, Vù A Và đã nghĩ ra Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng kết hợp lưu trú tại các làng bản ở thôn Nậm Cang để du khách có thể tìm hiểu & khám phá nét đẹp văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc. Đồng thời góp phần vào việc giải quyết việc làm và là động lực để đồng bào dân tộc phát triển các sản phẩm dịch vụ mới tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Hoàng Thị Bích Vân (Lâm Đồng) – Dự án: Sản xuất nước chấm lên men từ quả mác mật. Mắc mật – một loại gia vị quan trọng, không thể thiếu trong nhiều món ăn truyền thống của người dân tộc đồng bào Tây Bắc. Hoàng Thị Bích Vân thấy Lâm Đồng cũng có nơi trồng quả Mắc mật đã tìm hiểu & nghiên cứu làm ra sản phẩm nước chấm lên men từ quả mắc mật, tạo nên một sản phẩm nước chấm mới với hương vị đặc biệt,hướng đến những khách hàng quan tâm đến các sản phẩm sạch, thuần tự nhiên.
Nhóm của Lê Nguyễn Ngọc Trân (Lâm Đồng) – Dự án: Trà Thanh An. Với mong muốn tạo nên thức uống lành mạnh nhưng không gây mất ngủ như các loại trà khô có hàm lượng caffeine. Lê Nguyễn Ngọc Trân vốn là y sĩ chuyên ngành y học cổ truyền, đã phối hợp những vị thuốc có tính mát, thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần để tạo nên một vị trà mới với tên gọi Trà Thanh An, với thành phần kết hợp các loại dược liệu đa dạng tạo ra vị ngọt, thanh mát, hương thơm nhẹ, dễ uống cho mọi đối tượng.
Cao Minh Long (Nghệ An) – Dự án: Nâng cao hiệu suất sx, kinh doanh nấm Bào ngư, nấm Sò, nấm Rơm, nấm Linh chi Đỏ, Đông trùng hạ thảo bằng pp xốc nhiệt kết hợp bổ sung dinh dưỡng. Để nâng cao chất lượng và số lượng,kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình phát triển của nấm như nhiệt độ, độ ẩm…Cao Minh Long đã ứng dụng hệ thống “Appa Smart Farm”vàohoạt động của Công ty, …Với thiết bị này, các phòng nấm được kiểm soát và điều chỉnh các thông số thông qua điện thoại nên tiết kiệm chi phí nhân công trong quá trình tưới nước giữ ẩm cho phòng nấm và đảm bảo chính xác nhất cho môi trường nấm phát triển.
Đỗ Thị Kim Dung (Lào Cai) – Dự án: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch. Áp dụng mô hình tham quan du lịch gắn với nông nghiệp, Đỗ thị Kim Dung đã vận dụng khí hậu của vùng núi Sapa trồng dâu tây theo công nghệ thủy canh, hạn chế thấp nhất việc sử dụng và sử dụng đúng quy trình các loại thuốc bảo vệ thực vật.Kết quả sản phẩm dâu tây sinh trưởng tốt cho năng suất cao và khách du lịch tham quan vườn ngày càng nhiều,dự án của Đỗ Thị Kim Dung đã thu hút được sự đồng hành làm theo của bà con vùng Sapa.
Giàng A Dạy (Sơn La) – Dự án: Phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông – Mường Bon. Là một thanh niên dân tộc Tày, được đi học về nông nghiệp công nghệ cao ở Israrel, Giàng A Dạy đã dần thuyết phục được những người dân Bản tham gia vào việc sản xuất nông nghiệp sạch, tiên tiến. A Dạy xây dựng mô hình thành lập HTX Amo với thành viên là các hộ gia đình, thanh niên dân tộc và đã trở thành một chuỗi liên kết bền vững, tạo thành thương hiệu để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cho thị trường miền xuôi, các đô thị lớn khác.
La Văn Quý (Sơn La) – Dự án: Phát triển sản phẩm từ Dế gắn với tài nguyên bản địa. La Văn Quý sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, đã khởi nghiệp với sản phẩm từ dế. Nhận thấy dùng côn trùng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao,cộng với môi trường nuôi ít tốn kém. Quý đã mở rộng việc nuôi Dế và tạo ra những sản phẩm chế biến từ Dế.Quý đã kết hợp với các nguyên liệu & gia vị đặc trưng của đồng bào Thái: nước măng chua,lá chanh rừng, lá mu chưn, mắc khén,…để tạo hương vị đặc trưng khác biệt mới lạ cho Dế.
Phan Minh Tiến (TP.HCM) – Dự án: Mật Dừa Nước và các sản phẩm có giá trị từ Dừa Nước. Tốt nghiệp khoa Công nghệ hoá, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, với những kiến thức học được Tiến đã ứng dụng các công nghệ, chiết xuất thành công mật từ cây dừa nước theo hướng 100% tự nhiên, mang giá trị dinh dưỡng cao. Dự án của Tiến, không chỉ có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương tại quê hương Cần Giờ, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, bởi dưới tán dừa là môi trường sống cho nhiều loài thuỷ sản…
Tăng Thị Cẩm Hằng –Nguyễn Thanh Việt (Vĩnh Long) – Dự án: Sản phẩm bánh từ khoai lang. Với đam mê làm ra những sản phẩm từ khoai lang vốn được trồng rất nhiều tại Tỉnh, Nguyễn Thanh Việt, Giảng viên của Trường Cao đẳng cộng đồng Vĩnh Long đã nghiên cứu và dùng khoai lang làm nguyên liệu chính cho ra dòng sản phẩm “Bánh hạnh phúc” để góp phần nâng thêm giá trị cho nông sản khoai lang và tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Vĩnh Long.
Trần Thái Sơn (Vũng Tàu) – Dự án: Đèn Led cho tàu cá. Mục đích của dự án Đèn LED cho Tàu đánh cá là để thay thế tất cả các bóng đèn Halogen của các tàu đánh cá làm việc trên các lĩnh vực như lưới kéo, cá ngừ đại dương, mực và chụp lưới kéo hiện đang sử dụng đèn Halogen hoặc Metal Halide thành đèn LED. Giá cả phù hợp để ngư dân có thể mua và sử dụng dễ dàng, sản phẩm đã được thử nghiệm trên một số thuyền với công suất rất khác nhau từ 30 – 500 chiếc mỗi tàu.
Nông Kim Ngọc (Yên Bái) – Dự án: Xây dựng trang trại nông lâm nghiệp kết hợp theo hướng Vietgap. Nông Kim Ngọc Kỹ sư nông nghiệp xây dựng trang trại theo mô hình khép kín và tuần hoàn cho các yếu tố đầu vào,trang trại sẽ tự cung cấp giống vật nuôi, phân bón, chiết dịch giun quế làm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón qua lá, thuốc thú y thảo dược.Qua đó sẽ tạo ra những sản phẩm an toàn và có chất lượng cao cho người tiêu dùng. Đồng thời giúp giảm thiểu các chi phí đầu vào, từ đó tạo ra giá bán sản phẩm phù hợp, có tính cạnh tranh cao.
Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre) – Dự án: Son Môi Dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường. Năm 2016, khi đang là tư vấn viên về luật Ngọc Như bắt đầu nghiên cứu và chuyển sang SX các loại Mỹ phẩm thiên nhiên với nguồn nguyên liệu chính từ dừa, từ thiên nhiên. Đến nay Như đã có 21 loại sản phẩm chính như: Son dưỡng môi, dầu dừa dưỡng thể, sữa tắm, xà bông….Gần đây Như đã thay các loại bao bì sản phẩm bằng chất liệu tự nhiên như gỗ, gáo, lá dừa – vừa khai thác được tài nguyên bản địa, vừa phù hợp với môi trường.
Lê Xuân Lâm (Thanh Hóa) – Dự án: Vibabo – Sản phẩm tre thân thiện với môi trường. Ý thức được tác hại của ống hút nhựa tới môi trường, nhóm bạn Lê Xuân Lâm đã mạnh dạn lên ý tưởng làm ống hút từ tre, nứa thay thế sản phẩm ống hút nhựa. Từ vùng quê miền núi Thanh Hóa có tiềm năng dồi dào về nguồn nguyên liệu tre, nứa, Lâm đã thành lập Công ty TNHH Vibabo – chuyên sản xuất ống hút tre và các dòng sản phẩm khác từ tre, nứa với đầy đủ các thông tin về: nguyên liệu, công dụng, cách sử dụng, bảo quản và hạn sử dụng.
Anh Tuấn (theo TGHN/BSA)