Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
07 | 11 | 2019
Chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Kết luận sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được cũng như sự chỉ đạo, điều hành tích cực của Bộ trưởng; mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đó chính là lý do khiến nội dung này luôn được Quốc hội quan tâm trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với sự nỗ lực của ngành, địa phương, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề phải triển khai quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực. Những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn có nhiều vấn đề không mới, đã được Quốc hội giám sát tối cao; nhiều nội dung đã được thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, được thảo luận trong các phiên họp về kinh tế - xã hội.

Khẳng định đây là những vấn đề cốt lõi liên quan trực tiếp đến đời sống sinh kế của đa số người dân nhất, là khu vực nông thôn, Chủ tịch Quốc hội mong muốn ngành Nông nghiệp tiếp tục có những giải pháp khả thi nhằm giải quyết triệt để, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với các chỉ tiêu cụ thể để phát huy được kết quả của giai đoạn trước đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với các giải pháp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; có những giải pháp để thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội, nhất là về y tế, văn hóa giữa các khu vực trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai Nghị quyết 32 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với thực tế, từng vùng, miền và tăng cường nguồn lực chính sách cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng di tích và căn cứ cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong thực hiện liên kết sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất lớn, theo chuỗi, thực hiện các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khuyến khích thành lập, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn văn minh hiện đại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác chứng nhận sản phẩm, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp; quản lý chặt chẽ về sử dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp, xây dựng mô hình bảo hiểm mới phù hợp với các loại hình sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt công tác dự báo, công tác quy hoạch, rà soát lại diện tích cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường và xuất khẩu; giảm diện tích các loại nông sản không hiệu quả, nhu cầu không cao, chú trọng vào khâu chế biến; tổ chức thị trường, nâng cao tính cạnh tranh và giá trị của các sản phẩm nông sản có thế mạnh; chủ động ứng phó với tình trạng được mùa mất giá và cả mất mùa mất giá theo nguyên tắc thị trường; chú trọng phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy thị trường truyền thống, thị trường lớn, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với gạo, trái cây và nông sản Việt Nam; nâng cao giá trị sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và địa phương, tăng hiệu quả cho người trồng lúa; tái cơ cấu về diện tích và các loại cây nông nghiệp có lợi thế, ưu tiên cho các nhóm có giá trị cao, gắn với nhu cầu của thị trường; tập trung sản xuất phân hữu cơ và làm tốt công tác bảo vệ thực vật ở cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá hệ thống quản lý nhà nước về thú y và mạng lưới dịch vụ thú y để bảo đảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản tổng thể phòng chống dịch bệnh, nhất là bảo vệ môi trường, an toàn đời sống của nhân dân.

Cùng với đó, ngành chú trọng bảo đảm nguồn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và công tác tái đàn sau dịch; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ chống dịch bệnh, xử lý nghiêm việc trục lợi để thực hiện các chính sách về nông nghiệp.

Ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản và quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cơ cấu lại ngành Thủy sản và các hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với sản lượng, ưu tiên cho phương thức nuôi biển, đáp ứng yêu cầu của thị trường, kiểm soát việc đánh bắt xa bờ; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đưa việc đánh bắt xa bờ vào nền nếp, đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nâng cao trang thiết bị, từng bước hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, nhất là phương tiện bảo quản sau đánh bắt, cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá, khu neo trú tàu thuyền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể, toàn diện việc tổ chức thực hiện, có các giải pháp hiệu quả về tín dụng để giảm nợ xấu trong hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản, hải sản; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ mới, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các chính sách hỗ trợ trong đánh bắt để trục lợi.../.

Đỗ Bình/TTXVN

 



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường