Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghệ An được mùa chè xuân, nông dân 'bỏ túi' hàng chục triệu đồng
17 | 02 | 2020
Ra Giêng, người trồng chè các huyện miền núi như Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương bước vào mùa thu hái chè xuân. Đây là thời điểm khá đặc biệt đối với người trồng chè, bởi lứa này chè nhiều búp và bán được giá cao.

Những ngày này, dọc các đồi chè của huyện Anh Sơn đều mướt một màu xanh. Trên đồi, các gia đình tất bật thu hái, vận chuyển nhập cho các điểm thu mua. Gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn đã trồng chè nguyên liệu hơn 10 năm nay, mặc dù diện tích chè chỉ có hơn 2 ha, song nhờ đầu tư cải tạo, thay thế trồng mới bằng giống chè cành cho năng suất chất lượng cao, cộng với đầu tư phân bón nên năm nay sản lượng chè tăng lên đáng kể. 

Sản phẩm chè Nghệ An đang dần khẳng định được thương hiệu và có vị trí vững chắc trong ngành chè cả nước cũng như chinh phục được một số thị trường trên thế giới như các nước Trung Đông, EU, ASEAN, Mỹ, Nga, Đài Loan,...

Chị Liên chia sẻ: Theo lịch thời vụ, cuối tháng 11 âm lịch của năm trước, gia đình chị bắt đầu đốn cành tạo tán để tập trung chăm sóc cây chè. Chính vì vậy, vụ thu hái chè xuân được gia đình chị Liên và hầu hết người trồng chè đặc biệt quan tâm, bởi chăm sóc ở giai đoạn này giúp chè hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng để phát triển cây, cho năng suất cao cả năm. Lứa chè xuân đầu tiên gia đình chị thu hoạch được 9 tấn chè búp tươi. Tại thời điểm này giá bình quân chè búp tươi là 3.500 đồng/kg, cho gia đình chị thu về trên 25 triệu đồng. 

Gia đình anh Hoàng Văn Tuyên ở thôn Nhân Tài, xã Cẩm Sơn cũng đang tập trung nhân lực thu hoạch lứa chè đầu tiên. Anh Tuyên phấn khởi chia sẻ: Năm vừa qua nắng hạn kéo dài khiến nhiều diện tích chè bị chết, số sống được thì cũng không cho thu hoạch, thời gian này trên địa bàn Anh Sơn thời tiết tương đối thuận lợi để cây chè phát triển, nên vào vụ thu hoạch lứa chè xuân đầu tiên này bà con rất phấn khởi.

Búp nhiều, đều nên hái máy năng suất cao, mỗi kíp làm việc của một máy hái cần ít nhất 5 - 6 người, trong đó, 2 người giữ máy đi dọc hai bên luống chè, 1 người đi sau cầm túi đựng chè được gắn với máy, 2 người thu gom, đưa chè và bao bì và vận chuyển. Chè hái xong nhập được ngay nên bà con rất phấn khởi. Anh Tuyên nhẩm tính, gia đình anh thu hái được hơn 5 tấn chè búp tươi, giá chè xuân hiện tại 3.500 đồng/kg cho gia đình anh thu về 17 triệu đồng chưa trừ chi phí. 

Thời tiết thuận lợi, những ngày này, người dân trồng chè ở Con Cuông, Thanh Chương cũng phấn khởi thu hái chè. Gia đình chị Phan Thị Hạnh ở thôn 2/9, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông hiện có 4 sào chè đang trong thời kỳ thu hoạch. Chị Hạnh cho biết: Đầu  tháng 12 âm lịch, gia đình đã tiến hành chăm sóc để cây chè hồi sinh, nảy mầm khi Xuân về. Sau khoảng 1 tháng chè sẽ ra lộc. Đây chính là lứa chè quan trọng, phải khẩn trương thu hoạch chăm sóc để đón các đợt nắng xuân ấm áp, chè càng phát triển nhanh, mạnh hơn. 

Anh Phan Đình Huệ cũng ở thôn 2/9, xã Bồng Khê  cũng cho biết: Gia đình trồng được 3 sào chè, hiện đang tập trung nhân lực, vật lực thu hoạch vụ chè xuân. Chè được giá khiến gia đình phấn khởi, mỗi năm cho thu hoạch 7 lứa, so với các cây trồng khác thì trồng chè cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều. 
Những ngày này đi dọc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Thanh Chương ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang hái chè. Ngoài nguồn lao động chính ở các hộ gia đình trồng chè, việc vào vụ tấp nập cũng đã thu hút được một lượng lớn nhân công từ các xã không trồng chè đến làm thuê. Giá bình quân tại thời điểm này là 4,2 triệu đồng/tạ (4.200 đồng/kg), cao hơn năm trước nên bà con rất phấn khởi. 

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, huyện Con Cuông cho biết: Địa phương có hơn 100 ha chè. Nhờ phát triển cây chè, không chỉ thoát nghèo mà đời sống người dân ở đây được nâng cao, nhiều hộ còn giàu lên một cách chính đáng.  Trong khi đó, toàn huyện Anh Sơn có 2.255 ha, hơn 1.700 ha đã cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã như: Hùng Sơn, Long Sơn, Đỉnh Sơn và Cẩm Sơn... Bình quân cây chè mỗi năm cho thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa cách nhau từ 30 - 45 ngày, cho bà con thu nhập lãi ròng từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. 

Vụ thu hái chè xuân được người trồng chè đặc biệt quan tâm bởi chăm sóc ở giai đoạn này giúp chè hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng để phát triển cây, cho năng suất cao hơn ở những lứa thu hoạch tiếp theo. 

Không chỉ thu hái để nhập, ở một số xã của Thanh Chương không khí làm việc rất khẩn trương ở các xưởng chè dọc đường Hồ Chí Minh. Hiện nay, các xưởng này đang thu mua, chạy hết công suất khiến giá chè khá ổn định, giúp nông dân có lãi. 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8.000 ha chè công nghiệp. Cây chè đang là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng chủ lực của hàng chục ngàn hộ dân ở các huyện miền núi. Cùng với việc thu hái, chăm sóc dinh dưỡng cho đồi chè đầu xuân, rất nhiều nông dân ở Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông cũng đang mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, chú trọng chất lượng chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn... 

Theo báo Nghệ An



Báo cáo phân tích thị trường