Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CHỢ ĐẦU MỐI NÔNG SẢN: Biết người, Biết ta…
23 | 06 | 2007
Những ngôi chợ đầu mối xây dựng hoành tráng nhưng vắng như... chùa Bà Đanh là hình ảnh của chợ đầu mối lúa gạo Thanh Bình (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), Trung tâm trái cây quốc gia (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, Tiền Giang). “Gọi là chợ nhưng không có kẻ bán người mua, quanh năm cửa đóng then cài im ỉm, vắng như chùa Bà Đanh. Chợ đầu mối lúa gạo Thanh Bình vấn chỉ là cái nhà kho chứa lúa”. Trong khi đó, năm 2007, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đang bước vào thực hiện giai đoạn 2 với những kết quả phát triển tốt. Trong giai đoạn 2004-2006, lượng hàng hóa nhập chợ tăng đều đặn, năm 2004 là 1.331 tấn/ngày, năm 2005 là 1.543 tấn/ngày, năm 2006 là 1.944 tấn/ngày). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công hay thất bại của chợ đầu mối, đó là tính phù hợp với đặc điểm ngành hàng và sản phẩm, vai trò của công ty kinh doanh chợ trong việc cung cấp dịch vụ cho các bên tham gia.

Năm 2006, nghiên cứu Đánh giá các hình thức giao dịch thương mại nông sản ở Việt Nam của TS. Dương Ngọc Thí (Viện Chính sách Chiến lược Phát triển NNNT) đã thực hiện khảo sát trên 4 ngành hàng lúa gạo, cà phê, cây ăn quả và mía đường, tại 5 tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đắc Lắc, Bắc Giang, 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh[1].

Trên 4 ngành hàng được lựa chọn, kết quả điều tra cho thấy hình thức mua bán tự do không có hợp đồng được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, do phù hợp với thói quen và tập quán mua bán truyền thống của nông dân. Đặc biệt trong ngành hàng lúa gạo, giao dịch chủ yếu được thực hiện là giữa nông dân và thương lái, giữa thương lái và công ty xay xát chế biến, một số giao dịch trực tiếp giữa nông dân với các cơ sở xay xát nhỏ, vai trò của chợ đầu mối lúa gạo không lớn trong các giao dịch ngành hàng này. Hình thức giao dịch theo hình thức hợp đồng bằng văn bản (kể cả hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp với từng hộ và hợp đồng với HTX, tổ nhóm hộ nông dân) trong thực tế còn nhiều hạn chế do quy mô sản xuất của hộ nông dân quá nhỏ, phân tán gây khó khăn cho giao dịch của doanh nghiệp; doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật để phát huy lợi thế về năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.

Hình thức giao dịch mua bán tại các chợ đầu mối chỉ là một trong 4 hình thức giao dịch mua bán phổ biến và hoạt động còn nhiều hạn chế. Chợ đầu mối nông sản bước đầu hình thành, hoạt động giao dịch chỉ giới hạn mua bán buôn giữa các doanh nghiệp và thương gia trong nước, giao dịch theo hình thức giao ngay, chưa có giao dịch thứ cấp và thị trường giao sau. Các hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa đều do thương nhân đảm nhận. Các công ty kinh doanh chợ (một số chợ còn là Ban quản lý) chưa tham gia giao dịch, chỉ thực hiện một số hoạt động dịch vụ như cho thuê mặt bằng, bốc dỡ hàng hóa, bảo vệ an ninh.

Phát triển chợ đầu mối trong Chính sách phát triển thương mại

Tháng 2 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, một trong những hoạt động quan trọng đối với ngành hàng nông lâm thủy sản cần thực hiện là chú trọng xây dựng các loại hình chợ dân sinh (bán lẻ tổng hợp, phục vụ sản xuất và đời sống tại chỗ của nông dân), chợ đầu mối, chợ chuyên doanh phát luồng bán buôn, trung tâm đấu giá, sàn giao dịch ở vùng sản xuất nông sản tập trung (tiêu thụ nông sản thông qua bán buôn để chuyển bán cho thị trường khu vực khác, cho công nghiệp chế biến và cho xuất khẩu); các tổng kho bán buôn, trung tâm logistics (để bảo quản, sơ chế, phân loại, bao gói, vận chuyển... làm tăng giá trị sản phẩm và cung ứng cho mạng lưới bán buôn, bán lẻ trong nước và cho xuất khẩu).

Nghiên cứu của TS. Dương Ngọc Thí đề xuất giải pháp phát triển hoạt động giao dịch mua bán chợ đầu mối ở nước ta, cần tổng kết phương thức hiện nay là thương nhân đảm nhận hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa, công ty kinh doanh chợ nâng cấp các hoạt động dịch vụ (trên cơ sở so sánh kinh nghiệm chợ đầu mối ở Thái Lan); và học tập kinh nghiệm các nước Úc, Nhật Bản, Trung Quốc đang áp dụng phương thức công ty kinh doanh chợ tham gia vào cả hoạt động giao dịch và dịch vụ và chuyển sang áp dụng cho Việt Nam. Thừa nhận chợ đầu mối là một loại hình thị trường mới cần phát triển ở Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp toàn diện cả về qui hoạch; chính sách khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng chợ, tham gia hoạt động kinh doanh; phối hợp nhiều hoạt động tại chợ và Trung tâm; phát huy vai trò của nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ công; lựa chọn và bồi dưỡng chuyên gia giao dịch.

Hoàng Ngân (www.agro.gov.vn)


[1] Nhóm nghiên cứu đã khảo sát là 460 lượt hộ nông dân bán 4 mặt hàng nông sản nói trên trong 2 năm 2004 -2005; 46 hộ thu gom, đại lý thu mua nông sản và khảo sát 8 chợ đầu mối nông sản.



(www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường