Doanh nghiệp hưởng lợi khi nhập trang thiết bị
Năm 2019, Việt Nam xuất sang EU gần 700 triệu USD đồ gỗ, chiếm khoảng 8% xuất khẩu toàn ngành này. Không chỉ là đối tác lớn trong xuất khẩu gỗ, EU còn là nhà cung cấp nguyên liệu gỗ quan trọng với Việt Nam. EU được đánh giá sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn về nguồn cung với doanh nghiệp gỗ. Các loại gỗ chủ lực mà Việt Nam nhập từ EU gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán, ước tính trên 1 triệu m3 mỗi năm, phục vụ cho chế biến xuất khẩu và cả tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU có thể đạt 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên.
Trước khi EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, từ 2 năm trước, một số nước tại Tây Âu đã chấp thuận đưa thuế xuất các mặt hàng sản phẩm gỗ của Việt Nam về 0%, dựa theo quy chế Tối huệ quốc với Việt Nam.
Theo thỏa thuận khi EVFTA có hiệu lực, 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Lộ trình cắt giảm theo thỏa thuận khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ từ 6% về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 17% các mặt hàng còn lại sẽ về 0% sau 5 năm có hiệu lực.
Theo đại diện HAWA, trong ngắn hạn, ngành chế biến gỗ Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều về cắt giảm thuế. Mức cắt giảm cũng không nhiều hơn các mặt hàng chủ lực khác mà hiện nay EU đang duy trì thuế quan như dệt may, giày dép và nông sản. Nhưng về lâu dài, EVFTA sẽ tạo hiệu ứng lớn lên các mặt hàng khác thì ngành gỗ sẽ gián tiếp hưởng lợi.
Cụ thể, ngành gỗ Việt Nam mở rộng quy mô và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp tranh thủ được về công nghệ sản xuất và quản lý, máy móc thiết bị của EU, được xem là có trình độ cao nhất thế giới hiện nay.
“Trước đây, các loại máy móc thiết bị này luôn phải chịu thuế 20-30%, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp giảm giá, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị”, đại diện HAWA cho biết.
Cùng với đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ hỗ trợ và bảo hộ quá trình đầu tư tại Việt Nam, thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất từ châu Âu vào Việt Nam. Qua đó giúp ngành gỗ trong nước tranh thủ được vốn, kỹ thuật, trình độ quản lý, thương mại từ EU. Các cam kết sâu rộng về đầu tư trong EVIPA sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
“Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển đầu tư, thương mại của EU tại khu vực. Lợi ích không nhỏ khác là nhập khẩu nguyên liệu từ EU khi nguồn gỗ của châu Âu có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, giúp doanh nghiệp Việt tăng thu mua khi được miễn thuế”, ông Phương đánh giá.
Chú trọng khâu thiết kế
Lợi ích từ EVFTA với ngành gỗ Việt Nam rất nhiều, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng là đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu cao từ thị trường EU khi các hàng rào kỹ thuật gia tăng.
HAWA đánh giá, đa phần doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay sử dụng trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chủ yếu dùng máy móc giá rẻ của Trung Quốc. Trong khi đó, đổi mới công nghệ là then chốt để nâng cao giá trị, đáp ứng đúng tiến độ đơn hàng của toàn ngành.
EU là thị trường khó tính, tiêu dùng văn minh. Người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường. EVFTA sẽ gián tiếp giúp doanh nghiệp thay đổi thói quen sử dụng và xác minh nguồn gốc gỗ. Doanh nghiệp đạt được điều này sẽ xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng EU. Khi người tiêu dùng EU đã có niềm tin với sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng đầu tư, chuyển giao công nghệ, thiết kế, thương mại.
Về nguyên liệu, với đòi hỏi bắt buộc từ hợp phần VPA/FLEGT, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đảm bảo hàng xuất sang EU 100% hợp pháp (bất kể gỗ nguồn gốc nhập khẩu hay gỗ rừng trồng trong nước). Điều này dẫn đến nhu cầu nguyên liệu có thể khan hiếm trong thời điểm cục bộ.
Một điều nữa cũng cần nhắc đến, đó là để chinh phục thị trường EU, doanh nghiệp phải chú trọng giá trị thiết kế.
“Đây là nhược điểm của đa phần doanh nghiệp Việt Nam vốn thiên về sản xuất gia công, đầu tư chất xám trong thiết kế còn thấp. Trong khi một sản phẩm gỗ nguyên liệu và sản xuất chỉ chiếm 30%, 70% còn lại thuộc về thiết kế và thương hiệu. Sản phẩm càng đẹp giá bán càng cao. Muốn tăng thị phần tại EU, doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện thiết kế, đi kèm đó là chính sách xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử để tiếp cận đa dạng khách hàng EU, khu vực có nền tảng thương mại trực tuyến phát triển nhất thế giới”, Tổng thư ký HAWA nói.
Theo báo Đầu tư