Doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá mua mía sớm nhất là Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU). Ngày 17/1/2020, Tổng Giám đốc NASU, ông Ngô Văn Tú thông báo, tăng giá thu mua 20.000 đồng/tấn mía, từ mức 760.000 đồng/tấn lên 780.000 đồng/tấn tại ruộng từ ngày 16/1/2020. Mặc dù điều chỉnh nâng giá, nhưng mức thu mua của NASU so với một số nhà máy đường vẫn thấp hơn bình quân từ 70.000 -100.000 đồng/tấn.
Doanh nghiệp tiếp theo điều chỉnh nâng giá mua mía nguyên liệu là Công ty CP Mía đường Sơn La. Trong thông báo phát đi ngày 12/2/2020, Tổng Giám đốc Mía đường Sơn La Trần Ngọc Hiếu cam kết tăng giá sàn thu mua mía nguyên liệu (giá bảo hiểm) từ 800.000 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn đối với mía đảm bảo tiêu chuẩn tươi, sạch.
Trong khi đó, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) ngày 22/2 thông báo, sẽ bổ sung thêm 30.000 đồng/tấn đối với mía đã thu mua về nhà máy từ ngày 4/2/2020 đến hết vụ ép.
Với mía niên vụ 2020 - 2021 tại ruộng đã bốc lên phương tiện vận chuyển giá sẽ được áp dụng là 900.000 đồng/tấn đối với mía 10CCS; 850.000 đồng với mía từ 8 đến dưới 10CCS; 800.000 đồng/tấn đối với mía từ 7 CCS đến dưới 8 CCS và giá 700.000 đồng/tấn đối với mía dưới 7CCS.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco chia sẻ, thể theo nguyên vọng của người trồng mía, bắt đầu tư niên vụ 2021 - 2025 phía doanh nghiệp sẽ không áp dụng các chính sách hỗ trợ mà tập trung vào giá mua mía nguyên liệu theo mức 1 triệu đồng/tấn đối với mía có chất lượng 10CCS.
Cũng theo ông Lê Văn Tam, việc Lasuco tăng giá mua mía nguyên liệu không hẳn do giá mía đường thế giới tăng mà chủ yếu đây là chính sách, chiến lược của doanh nghiệp nhằm chia sẻ, cam kết đồng hành lâu dài với người trồng mía tại Thanh Hóa.
Ngày 22/2, Nhà máy đường An Khê trực thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng phát đi thông báo điều chỉnh giá mua mía niên vụ 2019 - 2020. Theo đó, từ ngày 1/3 - 14/3/2020 giá thu mua mía tại ruộng của nhà máy với đường 10CCS sẽ là 820.000 đồng/tấn và từ ngày 15/3 đến hết vụ 2020 giá sẽ tăng lên 850.000 đồng/tấn.
Trong ngày 22/2, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (Sơn Hòa, Phú Yên) thông báo tăng giá thu mua mía lên 830.000 đồng/tấn đối với mía từ 9CCS trở lên cộng thêm 30.000 đồng tiền hỗ trợ/tấn theo chính sách thông báo trước đó ngày 17/2. Do đó, hiện tổng giá thu mua mía nguyên liệu của Công ty Rượu Vạn Phát là 860.000 đồng/tấn, mức gia này được áp dụng từ ngày 23/2.
|
Giá đường trên thị trường thế giới thời gian gần đây tăng khoảng 20%. Ảnh: TTC. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Hiệp hội hoan nghênh việc các nhà máy đường chủ động tăng giá mua mía cho người nông dân trong thời gian gần đây.
Ông Cao Anh Đương nhấn mạnh, việc tăng giá mía và cam kết giá sàn thu mua mía cho các vụ mía sau là con đường duy nhất để các nhà máy đường khôi phục vùng mía nguyên liệu. Bởi nếu nông dân không tiếp tục trồng mía sẽ không còn nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động chế biến.
Theo số liệu Hiệp hội Mía đường Việt Nam thu thập được, do giá đường bán ra tại cổng nhà máy đường tại Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực nên giá thu mua mía ở Việt Nam cũng thuộc diện thấp nhất Asean, không đảm bảo nông dân hòa vốn hoặc có lời để tiếp tục sống được với cây mía.
Ông Cao Anh Đương cho biết thêm, theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá mía hợp lý tối thiểu phải từ 800.000 - 850.000 đ/tấn mía tại ruộng nông dân mới gọi là hòa vốn bởi giá thành trồng bình quân hiện nay đã lên tới 800.000 đồng/tấn. Vì vậy ngay từ đầu niên vụ mía 2019 – 2020 Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn gửi các thành viên đề nghị tính toán, cân đối để có mức giá thua mua mía tốt nhất cho nông dân trồng mía.
“Hiệp hội Mía đường Việt Nam biết rằng việc thực hiện theo khuyến cáo giá sàn thu mua mía là vô cùng khó khăn. Nhưng sẽ không còn lựa chọn nào khác nếu chúng ta quyết tâm duy trì ngành đường Việt Nam và duy trì sinh kế cho hàng triệu người lao động gắn bó với cây mía, hạt đường.
Việc thực hiện khuyến cáo về giá thu mua mía đòi hỏi sự đồng lòng đoàn kết của tất cả các doanh nghiệp mới có thể thành công được.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam tin rằng nhà nước cũng sẽ không bỏ mặc ngành đường và sẽ hỗ trợ để ngành đường Việt Nam vượt qua khó khăn nếu chúng ta thực hiện theo khuyến cáo trên đây”, ông Cao Anh Đương tâm sự.
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, nhiều cổ phiếu mía đường tăng trên 30% trong bối cảnh thị trường chung diễn biến khó lường. Trong đó, cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS) tăng 32% từ 4.410 đồng/CP lên xung quanh 6.000 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu SBT của Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) tăng từ 18.000 đồng/CP lên thành 22.000 đồng/CP, tương ứng trên 20%. Hai cổ phiếu ngành đường khác trên sàn HNX là KTS của Đường Kon Tum (HNX: KTS) và SLS của Mía đường Sơn La (HNX: SLS) cũng tăng lần lượt trên 30%.
|
Theo NNVN