Chỉ số giá tổng hợp ICO tiếp tục giảm
Chỉ số giá tổng hợp ICO giảm một lần nữa vào tháng 2, trung bình đạt 102 cent/lb, thấp hơn 4,6% so với tháng 1.
Giá tổng hợp hàng ngày ICO dao động trong khoảng 97,73 - 106,34 cent/lb từ ngày 4/2 đến ngày 28/2. Những lo ngại về dịch Covid-19 tác động đáng kể tới nhu cầu cũng như nguồn cung dồi dào trong phần còn lại của năm, do vụ mùa 2020 - 2021 của Brazil bước vào thời kì thu hoạch chính, gây áp lực giảm giá thị trường.
Tất cả các chỉ số giá theo nhóm trong tháng 2 đều có xu hướng giảm với chỉ số giá của Brazil giảm 7,3% xuống 102,62 cent/lb.
Chỉ số tại các quốc gia khác giảm 4,7% xuống 135,5 cent/lb trong khi Colombia giảm 0,7% xuống 146,43 cent/lb. Do đó, sự chênh lệch giữa Colombia và các quốc gia khác mở rộng vào tháng 2, tăng hơn gấp đôi lên 10,93 cent/lb.
Mặc dù nguồn cung cà phê hiện tại đủ đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm tăng lên về sự sẵn có của cà phê arabica chất lượng. Giá của cà phê robusta giảm 3,5% so với tháng trước xuống 68,07 cent/lb.
Thị trường cà phê arabica giao sau trên Sàn New York giảm 8,9% xuống mức trung bình 106,69 cent/lb trong tháng 2, trong khi thị trường cà phê robusta trên Sàn London giảm 3,3% xuống 59,02 cent/lb. Do đó, mức chênh lệch giữa cà phê arabica và robusta giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 47,67 cent/lb.
Dự trữ cà phê arabica trong tháng 1 giảm 0,5% so với tháng trước xuống 2,47 triệu bao trong khi khối lượng cà phê robusta trong kho tăng 4,6% lên 2,57 triệu bao.
Độ biến động của chỉ số giá tổng hợp ICO giảm 2,8 điểm phần trăm xuống còn 7,8% trong tháng qua. Sự biến động của tất cả các chỉ số cũng giảm trong tháng 2.
Đối với nhóm cà phê arabica, biến động của chỉ số giá tại Brazil giảm 3,3 điểm phần trăm xuống 10,5%, của các quốc gia khác giảm 3,1 điểm xuống 8% và của Colombia giảm 2,2 điểm xuống 8,5%. Biến động chỉ số của nhóm cà phê robusta là 6,8%, giảm 1,3 điểm phần trăm từ tháng 1.
Xuất khẩu toàn cầu giảm nhẹ
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 đạt 10,29 triệu bao so với 11,14 triệu bao trong năm 2018 - 2019.
Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm 5,8% xuống 39,53 triệu bao so với 41,95 triệu bao cùng kì. Trong giai đoạn này, các lô hàng arabica từ Brazil giảm 11,8% xuống còn 13,28 triệu bao và từ các quốc gia khác giảm 6,6% xuống còn 6,46 triệu bao.
Tuy nhiên, xuất khẩu arabica của Colombia tăng 0,6% lên 5,27 triệu bao. Các lô hàng cà phê robusta giảm 1,4% xuống 14,51 triệu bao.
Xuất khẩu từ châu Phi trong 4 tháng đầu năm tăng 9,5% lên 4,38 triệu bao khi các lô hàng từ 3 nhà sản xuất lớn nhất khu vực đều tăng với xuất khẩu của Uganda đạt 1,62 triệu bao, tăng 10% do giá cao hơn trong tháng 12 và lượng cà phê có sẵn nhiều hơn trong mùa này.
Sản lượng cà phê của Uganda trong năm 2019 - 2020 tăng do cây trồng cách đây vài năm bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch và thời tiết thuận lợi.
Các lô hàng từ Ethiopia tăng 18,2% lên 1,17 triệu bao và từ Côte d’Ivoire tăng 5,6% lên 558.000 bao vì năng suất cải thiện. Tuy nhiên, xuất khẩu của Tanzania giảm 1,6% xuống 393.000 bao.
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của châu Á và châu Đại Dương giảm 5,4% xuống 12,21 triệu bao. Xuất khẩu của Việt Nam giảm 14,6% xuống 8,35 triệu bao vì giá cà phê thấp khiến nông dân không muốn bán cà phê, đặc biệt là nguồn cung dồi dào từ các nhà sản xuất robusta khác.
Xuất khẩu của Ấn Độ giảm 8.4% xuống còn 1.41 triệu bao với xuất khẩu cà phê xanh giảm 22,6% xuống còn 726.000 bao, tuy nhiên các lô hàng cà phê hòa tan tăng 13,9% lên 687.000 bao.
Indonesia xuất khẩu đạt 1,99 triệu bao, tăng 86,8% so với cùng kì khi sản lượng của quốc gia này phục hồi 16,8% so với năm trước.
So với 4 tháng đầu năm 2018 - 2019, xuất khẩu từ Mexico & Trung Mỹ tăng 1,7% lên 3,07 triệu bao. Sự tăng trưởng này là nhờ Honduras khi xuất khẩu tăng 2,6% lên 1,22 triệu bao.
Giá cao hơn vào tháng 12/2019 và tháng 1 đã thúc đẩy xuất khẩu từ Honduras trong tháng 1 tăng 12,6% lên 694.000 bao, bù đắp cho các lô hàng thấp hơn trong 3 tháng trước đó.
Ngược lại, xuất khẩu từ Mexico trong 4 tháng giảm 13,1% xuống còn 652.000 bao, một phần do giá thấp và tiêu dùng nội địa tăng làm giảm lượng cà phê xuất khẩu.
Cả Nicaragua và Guatemala đều ghi nhận mức tăng xuất khẩu lần lượt là 63,5% và 1,6%, đạt 525.000 bao và 507.000 bao. Sự tăng giá gần đây cũng như sản xuất cao hơn so với ước tính ban đầu có thể đã thúc đẩy xuất khẩu từ hai quốc gia này.
Trong vòng 4 tháng, xuất khẩu của Nam Mỹ giảm 9,8% xuống còn 19,86 triệu bao. Trong đó, các chuyến hàng từ Brazil giảm 12,7% xuống còn 13,16 triệu bao. Brazil đã gần kết thúc năm trồng trọt 2019 - 2020, vụ cà phê arabica chính.
Xuất khẩu cà phê arabica của Brazil giảm 17% xuống còn 10,74 triệu bao nhưng lô hàng robusta tăng 22,4% lên 1,13 triệu bao.
Xuất khẩu từ Colombia tăng 1,5% lên 4,83 triệu bao trong khi sản lượng, theo ước tính của Liên đoàn người trồng cà phê Colombia, tăng 12,9% lên khoảng 5,61 triệu bao.
Vào tháng 2, Colombia đã ra mắt Quĩ bình ổn giá cà phê để bảo vệ nông dân trước biến động giá cả với mục tiêu là cải thiện hơn nữa chất lượng cà phê nước này.
Sản lượng cà phê thế giới năm 2019 - 2020 ước tính đạt 168,86 triệu bao, giảm 0,8% so với năm ngoái.
Sản lượng cà phê arabica dự kiến giảm 3,9% xuống 96,37 triệu bao trong khi sản lượng robusta ước tính tăng 3,7% lên 72,5 triệu bao.
Tiêu thụ cà phê thế giới đạt 169,34 triệu bao, lớn hơn 0,7% so với năm 2018 - 2019, sau một năm tăng trưởng tiêu thụ vượt bậc ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong năm cà phê 2019 - 2020, thâm hụt cung - cầu dự kiến ở mức 0,48 triệu bao, tuy nhiên dịch Covid-19 có thể giảm đáng kể tiêu thụ cà phê toàn cầu.