Trong chuyến đi thực địa gần đây đến một trang trại hồ tiêu ở tỉnh Kampot, ông Pan Sorasak, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, đã giải thích việc nâng cao chất lượng hồ tiêu sẽ giúp quảng bá thương hiệu hồ tiêu Kampot (đã được cấp Chỉ dẫn địa lý) tại thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng cũng khuyên nông dân trồng tiêu, các nhà sản xuất, hợp tác xã và hiệp hội chú ý đến việc vệ sinh, đóng gói, bảo quản và sử dụng phân bón hữu cơ,... để hồ tiêu Kampot trở nên nổi tiếng hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Hạt tiêu Campuchia đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (GI) từ EU vào năm 2016. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Sử dụng Chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc chứng nhận chất lượng sản phẩm, được thực hiện theo phương pháp truyền thống hoặc được hưởng danh tiếng nhất định nhờ nguồn gốc địa lý của sản phẩm đó.
Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Hồ tiêu Kampot có 455 thành viên gồm nông dân và các công ty sở hữu đồn điền hồ tiêu.
Tính đến năm 2019, các đồn điền hồ tiêu Campuchia có diện tích khoảng 290 hecta với tổng năng suất hơn 126 tấn.
Hiệp hội bán hạt tiêu đen với giá 15.000 USD/tấn, trong khi giá hạt tiêu đỏ và hạt tiêu trắng lần lượt là 25.000 USD/tấn và 28.000 USD/tấn.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng