Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế châu Á sẽ tăng chậm lại trong năm 2007 dù vẫn khả quan
26 | 07 | 2007
Các nền kinh tế mới nổi Châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm nay cho dù chậm hơn so với năm ngoái, ở đó mức độ ảnh hưởng từ Mỹ giảm xuống. Các biện pháp nhằm hạn chế đầu tư và lạm phát ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng.
IMF cho biết: “Điều này phản ánh sự điều chỉnh trong phát triển kinh tế tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm đối phó với các biện pháp thắt chặt chính sách và sự phát triển chậm lại giữa các nền kinh tế công nghiệp mới, do nhu cầu toàn cầu về xuất khẩu giảm. Nhu cầu hàng xuất khẩu của các nước châu Á, đặc biệt là đồ điện tử, có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng toàn khu vực. Hai tuần trước đây, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á cũng dự báo kinh tế khu vực châu Á sẽ phát triển chậm lại do nhu cầu hàng xuất khẩu sụt giảm.
Trung Quốc -nền kinh tế lớn thứ tư thế giới- dự kiến sẽ tăng 10% năm 2007 và 9,5% năm 2008, giảm nhẹ so với mức tăng 10,7% năm 2006. Trong khi đó, Ấn Độ được dự đoán tăng 8,4% năm 2007 và 7,8% năm 2008, so với mức tăng 9,2% năm 2006. Tuy nhiên, IMF cho rằng các cường quốc Châu Á này có thể đạt tăng trưởng cao hơn dự đoán.
Tác động của kinh tế Mỹ -động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế thế giới và các nền kinh tế khu vực- đối với Châu Á đang giảm dần. Điều này chủ yếu là do các quan hệ kinh tế gia tăng giữa các nền kinh tế Châu Á và nhu cầu gia tăng của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến 2005, xuất khẩu của tất cả các nước Châu Á sang Trung Quốc đều gia tăng cùng với vai trò thương mại trong khu vực. Chính vì vậy, các nền kinh tế khu vực ít phụ thuộc vào Mỹ hơn so với giai đoạn đầu thập kỷ này.
Theo IMF, có khả năng sự phát triển chậm lại tại Trung Quốc sẽ không xảy ra nếu tác động của biện pháp thắt chặt tiền tệ trong đầu tư chỉ là tạm thời. Tại Ấn Độ, lĩnh vực công nghiệp sản xuất và đầu tư có thể cùng tạo đà phát triển trong giai đoạn tới. Trung Quốc đã tăng mức lãi suất cao nhất trong vòng 8 năm qua và 6 lần tăng tỷ lệ vốn dự trữ ngân hàng trong vòng chỉ chưa đầy 1 năm để làm chậm sự đầu tư và kiềm chế việc các ngân hàng thương mại cho vay ồ ạt. Tại Trung Quốc, mặc dù dòng đầu tư đã có sự điều chỉnh trong vài tháng gần đây nhưng vẫn còn ở mức cao, do vậy các biện pháp gia tăng thắt chặt tiền tệ có thể vẫn cần thiết. Tại Ấn Độ, do sức ép lạm phát còn cao, một số biện pháp thắt chặt hơn nữa dường như vẫn cần được áp dụng. Nền kinh tế Ấn Độ - có trị giá 854 tỉ USD - sẽ tăng trưởng 8,4 trong năm 2007, thấp hơn 1,1% so với dự đoán năm 2006. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ ước đạt 7.8% trong năm tới trong khi tỉ lệ tăng trưởng năm 2006 là 9.2%.
Inđônêxia, nước đông dân thứ ba ở châu Á, sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh đã thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất. Còn các nền kinh tế khác ở khu vực Đông Nam Á nhìn chung đều đạt mức tăng trưởng khá trong năm nay, trong đó GDP của Thái Lan ước đạt 4,5%, Xingapo là 5,5%, Hàn Quốc là 4,6%.
Sự phát triển tại các nền kinh tế mới công nghiệp hoá như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore cũng được dự báo là chậm lại trong năm nay.
 Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2007 và 2008, thấp hơn mức tăng 5% trong năm ngoái. Kinh tế Đài Loan cũng tăng chậm lại, 4,2% trong năm nay sau khi đạt 4,6% trong năm 2006.  Singapore sẽ tăng từ 7,9% trong năm 2006 xuống 5,5% trong năm nay, cùng mức tăng với Hồng Kông, giảm từ 6,8% vào năm ngoái.
 IMF điều chỉnh giảm 0,5% mức dự đoán về tăng trưởng của Thái Lan xuống còn 4,5% và cũng giảm dự báo tăng trưởng của Malaysia xuống 5,5%. Tuy nhiên, IMF tăng dự báo cho Philippines lên 5,8% so với dự báo trước đó là 5,4%. Mức dự báo của Indonesia vẫn duy trì ở mức 6%. Việt Nam được dự báo mức tăng trưởng 8% trongnăm 2007 và 7,8% trong năm 2008.



Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường