Đường nhập khẩu tăng mạnh
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 15/4/2020, trong số 28 nhà máy đường hoạt động niên vụ 2019-2020, hầu hết đã kết thúc vụ sản xuất (không kể các nhà máy tinh luyện từ đường thô). Theo đó, các nhà máy đường đã sản xuất được 748.372 tấn đường các loại. Ước tính cả niên vụ 2019-2020, tổng sản lượng đường sản xuất trong nước đạt khoảng 900.000 tấn, giảm 24% so với niên vụ 2018-2019.
Theo VSSA, những tháng đầu năm, dịch Covid-19 tác động đã khiến thị trường đường trong nước suy yếu, tiêu thụ giảm mạnh với tất cả các loại đường. Giá đường thương mại thế giới giảm sâu, giá đường sản xuất từ mía ở trong nước bán ra thị trường cũng giảm. Cụ thể, giá đường sản xuất từ mía ở trong nước (tùy phẩm cấp) trong tháng 4/2020 các nhà máy bán ra đối với đường kính trắng bình quân dao động ở mức 12.000-12.600 đồng/kg; đường tinh luyện từ 12.700-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường NK bán trên thị trường bình quân chỉ từ 12.100-12.800 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký VSSA - khẳng định: Giá đường NK thấp, giá thành đường sản xuất ở trong nước còn cao nên không thể cạnh tranh được với đường NK (chưa kể đường nhập lậu). Nhiều nhà máy đường hiện đang lâm vào cảnh khó khăn, do không tiêu thụ được sản phẩm, không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân, cũng như chi trả tiền lương cho người lao động.
Trong khi đó, nguồn đường NK vào Việt Nam từ đầu năm đến nay có dấu hiệu tăng mạnh. Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), chỉ trong quý I/2020, đã có khoảng 241.000 tấn đường NK về Việt Nam tiêu thụ, con số này tương đương với khoảng 30% sản lượng đường sản xuất trong nước niên vụ 2019-2020.
Khó cạnh tranh về giá
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (QNS) - cho biết: Để giữ được vùng nguyên liệu, hạn chế thiệt hại cho nông dân, QNS và nhiều DN đường khác trong niên vụ 2019-2020 vẫn giữ giá mua mía ở mức khá cao. Tuy nhiên, các nhà máy đường đang gặp rất nhiều khó khăn trước áp lực cạnh tranh từ đường NK giá bán thấp hơn. Dù giá bán đường của nhiều nhà máy đã giảm xuống ngang bằng giá thành sản xuất, nhưng lượng tồn kho vẫn cao.
Ngành mía đường đã chính thức thực thi ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) kể từ ngày 1/1/2020. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, đồng thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan thực hiện, trong đó có việc nghiên cứu, xem xét, áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với đường NK, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại đường... để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Đàng, việc triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng tại các bộ, ngành đến nay vẫn còn chậm.
Ông Đàng cho biết, hiện QNS đang cùng với một số DN đường chuẩn bị các bước để phối hợp với các cơ quan chức năng kiến nghị, thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, để áp dụng biện pháp PVTM đối với đường NK (tự vệ hoặc chống bán phá giá), nhằm bảo vệ sản xuất đường trong nước. Do vậy, các DN mía đường và người nông dân rất mong các bộ, ngành liên quan ủng hộ việc này, đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong tình hình hiện nay.
Theo báo Công thương