Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2020 đạt 985,6 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 664,8 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019 (thấp hơn so với mức tăng 15,8% trong 3 tháng đầu năm 2019). Xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 (thấp hơn so với mức tăng 17,6% trong 3 tháng đầu năm 2019).
Trong 3 tháng đầu năm 2020, so với nhiều mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong giai đoạn này, dịch Covid-19 chỉ tác động mạnh tới thị trường Trung Quốc, việc thực hiện các đơn hàng đi Mỹ và châu Âu vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 3/2020 đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng sang Mỹ và các nước châu Âu, để đối phó với tình hình dịch bệnh các nước này đã ban hành nhiều biện pháp mạnh như đóng cửa các cửa hàng bán hàng hóa không thiết yếu, nhân sự tại các cảng cũng bị thu hẹp do lệnh cấm di chuyển, khiến hoạt động tại các cảng bị ngưng trệ.
Trên thực tế, trong tháng 3/2020, mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tăng 21,8%, đạt 1,29 tỷ USD, nhưng tốc độ đã thấp hơn so với mức tăng 34,7% trong tháng 3/2019. Như vậy, việc trì hoãn các đơn hàng từ phía đối tác Mỹ đã có tác động trực tiếp tới xuất khẩu gỗ và phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường này.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính trong khối EU giảm mạnh trong tháng 3/2020 như: Đức, Pháp và Hà Lan. Xuất khẩu sang thị trường Đức đạt 13,5 triệu USD, giảm 13,4%; Pháp đạt 9,7 triệu USD, giảm 19,8%; Hà Lan đạt 6,7 triệu USD, giảm 24,7% so với tháng 3/2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam, trong bối cảnh hai thị trường này đang trở thành tâm dịch sẽ tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng và thậm chí ngừng sản xuất do chưa ký được đơn hàng mới.
Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2020. Việc tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc khi các thị trường khác chưa ổn định là phương án tốt cho các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống giảm.
Theo Nhịp sống kinh tế