Theo đó, hiện nay có 919 ha cà phê chè bị nhiễm bọ xít muỗi tại Đà Lạt, Lạc Dương với tỷ lệ bị hại phổ biến khoảng 30%. Nguyên nhân trong những ngày qua có mưa nhiều về chiều tối, cà phê phát triển mạnh chồi lá non nên bọ xít muỗi phát triển.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng dự báo, thời gian tới thời tiết có mưa, cây cà phê đang ra hoa đậu quả, ra chồi, lá non, vì vậy bọ xít muỗi sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh.
Để chủ động phòng chống, bảo vệ năng suất cà phê chè niên vụ 2020, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật như: cắt tỉa sớm chồi vô hiệu, chồi non đã bị bọ xít muỗi đẻ trứng, gây hại; tỉa cành, tạo tán giúp cho vườn cà phê thông thoáng, không quá ẩm thấp tạo môi trường bất lợi cho bọ xít muỗi.
Đảm bảo mật độ phù hợp đối với các diện tích trồng mới, trồng tái canh tối đa 5.000 cây/ha. Người dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trong vườn cà phê, phát quang bụi rậm quanh vườn, thu gom tàn dư cây trồng, đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi vào buổi chiều.
Về biện pháp hóa học, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân phải thường xuyên thăm đồng vào thời kỳ cà phê ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả và nuôi trái để phát hiện và phòng trừ kịp thời, tùy theo mức độ gây hại có thể phun thuốc từ 1-2 đợt, mỗi đợt cách nhau 7- 10 ngày.
Đảm bảo phun thuốc phòng trừ bọ xít muỗi theo 4 nguyên tắc: phun thuốc phải đồng loạt, phun ướt đều trên toàn bộ tán cây, phun xung quanh vườn từ ngoài vào trong và từ bìa rừng trở vào trong đảm bảo bao vây không cho bọ xít muỗi phát tán ra xung quanh để hạn chế lây lan.
Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn bà con một số loại thuốc để phòng trừ bọ xít muỗi hại cà phê là sử dụng Alpha-cypermethrin, nồng độ theo khuyến cáo, lượng nước thuốc sử dụng 1.000 lít/ha.
Lâm Đồng hiện có trên 13.600 ha cà phê chè trồng tập trung tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và các vùng phụ cận. Trong những năm gần đây, bọ xít muỗi gây hại cà phê chè có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng phát triển cũng như năng suất cà phê chè và gây khó khăn cho việc phòng trừ của nông dân. Trước đó, năm 2019, bọ xít muỗi gây hại 824 ha tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông (tăng 446 ha so với 2018), tỷ lệ hại từ 15 - 45%...