Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những qui định nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa vào Thái Lan
01 | 06 | 2020
Đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, việc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào thị trường Thái Lan không bị áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu và được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Những qui định nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa vào Thái Lan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymail)

Đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, việc nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào thị trường Thái Lan không bị áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu và được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%, theo lộ trình giảm thuế của nước này trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). 

Hiện nay, Thái Lan chủ yếu nhập khẩu sữa nước từ New Zealand, Australia, Indonesia, Mỹ và Hà Lan.

Qui định về thủ tục nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa vào Thái Lan

Đối với phía Việt Nam

- Cơ quan quản lí nhà nước: Trong trường hợp xuất khẩu sữa tươi chưa qua chế biến, phía Thái Lan yêu cầu phải có công văn (cung cấp thông tin về doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu các sản phẩm sữa, thông tin về các sản phẩm sữa cụ thể sẽ xuất khẩu sang Thái Lan) của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gửi Cục Phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.

Sau khi nhận được văn bản của Cục Chăn nuôi Việt Nam, Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan sẽ cử đoàn sang Việt Nam kiểm tra qui trình sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

- Doanh nghiệp sản xuất hoặc xuất khẩu: Doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp các thông tin cho phía nhập khẩu làm thủ tục nhập khẩu (sẽ cụ thể hóa tại phần dành cho doanh nghiệp nhập khẩu). Đối với trường hợp xuất khẩu sữa tươi chưa qua chế biến, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm việc với đoàn Cục Chăn nuôi Thái Lan sang kiểm tra qui trình sản xuất, các yêu cầu SPS.

Đối với nhà nhập khẩu tại Thái Lan

- Trước khi nhập khẩu và lưu hành trên thị trường, doanh nghiệp tại Thái Lan đăng kí sản phẩm sữa muốn nhập khẩu từ Việt Nam tại Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) thuộc Bộ Y tế cộng đồng nước này.

- Doanh nghiệp nhập khẩu làm thủ tục để Ủy ban Quản lí Sữa và các sản phẩm sữa Thái Lan thông qua.

- Doanh nghiệp nhập khẩu đăng kí để được cấp phép nhập khẩu sữa với Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan.

Thủ tục nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Thái Lan

1. Thủ tục đăng kí xin giấy phép nhập khẩu tại Cục Ngoại thương

Bao gồm các sản phẩm: sữa nguyên liệu, sữa uống liền, sữa bột gầy.

Điều kiện để được đăng kí

- Pháp nhân sản xuất, nhập khẩu, chế biến, bán, đóng gói hoặc tự quản lí sản phẩm sữa được Ủy ban Quản lí Sữa và các sản phẩm sữa cấp phép.

- Không thuộc đối tượng pháp nhân đã bị hủy đăng kí nhập khẩu sữa trong thời gian 2 năm kể từ ngày bị hủy.

- Không thuộc đối tượng pháp nhân, mà nhân sự quản lí hoặc điều hành thuộc pháp nhân đã bị hủy đăng kí nhập khẩu sữa trong thời gian 2 năm kể từ ngày bị hủy.

- Không phải đối tượng pháp nhân đang bị treo hoặc vẫn đang bị hủy đăng kí làm nhà nhập khẩu sữa.

Các tài liệu cần phải nộp

- Giấy phép đăng kí kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp được Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Thương mại Thái Lan cấp có thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày đăng kí.

- Trong trường hợp chứng nhận đăng kí không nêu cụ thể rằng pháp nhân đăng kí hoạt động trong ngành nghề được nêu thì phải đưa ra được bằng chứng hoặc tài liệu cho thấy người nộp đăng kí hoạt động, sản xuất, nhập khẩu, chế biến, bán, đóng gói hoặc tự quản lí sản phẩm sữa.

- Kế hoạch nhập khẩu và sử dụng sản phẩm, trong đó nêu rõ lượng sữa cần phục vụ cho hoạt động của mình.

- Bản đồ nơi lưu kho sữa được nhập khẩu.

2. Thủ tục tại Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan

Giấy phép nhập khẩu thực phẩm (trong đó có sữa và sản phẩm sữa)

Thực phẩm nhập khẩu lưu hành tại Thái Lan được yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép nhập khẩu. Cán bộ kiểm tra của FDA sẽ thăm quan và kiểm tra cơ sở lưu trữ trước khi cấp phép. Người được cấp giấy phép có thể nhập khẩu bất cứ loại thực phẩm nào trong danh sách được FDA cấp phép.

Đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ hội chợ, giấy phép nhập khẩu tạm thời là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp ngoại lệ chỉ được xem xét đối với việc nhập khẩu mẫu thực phẩm, phục vụ công việc kiểm tra tại phòng thí nghiệm và xem xét trước khi mua.

Đăng kí thực phẩm

Doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm thuộc danh mục bị quản lí bắt buộc phải đăng kí sản phẩm trước khi nhập khẩu và lưu hành trên thị trường. Thời gian hoàn thiện việc đăng kí sản phẩm, tính từ thời điểm nộp hồ sơ, vào khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, tùy thuộc thông tin kê khai từng hồ sơ, thời gian xét duyệt có thể lâu hơn.

Dán nhãn thực phẩm và dán nhãn dinh dưỡng

Đối với mặt hàng sữa bò, đơn vị xuất khẩu phải tuân thủ các qui định về nhãn căn cứ theo Thông báo số 350 của Bộ Y tế cộng đồng Thái Lan. Đối với nhóm các mặt hàng sữa còn lại, đơn vị xuất khẩu có thể tham khảo thêm trong Thông báo số 194 về qui định dán nhãn thực phẩm. 

Riêng đối với các sản phẩm có ghi “cao cấp” (premium), Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan yêu cầu đơn vị xuất khẩu phải nộp thêm các giấy tờ cần thiết để kiểm tra sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về chất lượng căn cứ theo Thông báo số 365.

Hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP)

Căn cứ theo Thông báo số 193 (năm 2000), Thái Lan yêu cầu các nhà sản xuất nội địa và quốc tế đối với 57 sản phẩm phải tuân thủ những nguyên tắc chung về thực hành sản xuất tốt. Trong số này bao gồm các sản phẩm sữa bò, sữa nuôi cấy, sữa có hương vị và các sản phẩm sữa khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp và đơn vị ủy nhiệm nhập khẩu phải cung cấp chứng nhận của các nhà máy, đơn vị sản xuất đáp ứng tiêu chí về chất lượng sản phẩm tương đương với GMP của Thái Lan. 

Kể từ thời điểm 7/11/2012, Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan thiết lập thêm các biện pháp quản lí GMP đối với thực phẩm đóng gói. Danh sách mới bao gồm thêm mặt hàng sữa thanh trùng uống liền.

Thủ tục thông quan tại cửa khẩu

- Hóa đơn bán hàng cho doanh nghiệp hoặc đơn vị ủy nhiệm của Thái Lan.

- Vận đơn hay chứng từ vận tải.

- Chứng nhận xuất xứ hoặc Invoice Declaration.

- Chứng nhận chất lượng.

- Giấy phép nhập khẩu do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan cấp để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định ATIGA.

- Giấy chứng nhận của FDA.



Báo cáo phân tích thị trường