Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới ngành tôm Ấn Độ?
12 | 06 | 2020
Lệnh phong tỏa bắt đầu từ cuối tháng ba tại Ấn Độ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho các trại nuôi tôm giống tại nước này và khiến giá tôm giảm mạnh.

Theo vietnambiz.vn

Ấn Độ có đường bờ biển dài 8.118 km đi qua 9 bang và 4 vùng lãnh thổ lân cận. Ngành tôm là một trong những ngành sản xuất protein đang phát triển và mang lại thu nhập ngoại tệ quan trọng cho Ấn Độ.

Nhu cầu protein động vật đang gia tăng do đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra sự chuyển đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của nhiều người trên thế giới, theo trang Global Aquaculture Alliance.

Khu vực nuôi tôm của Ấn Độ hiện bao gồm hơn 176.000 ha trong đó khoảng 160.000 ha (91%) được sử dụng để thả nuôi tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei), khoảng 14.080 ha (8%) để nuôi tôm sú (Penaeus monodon) và khoảng 1.760 ha (1%) để nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii).

Dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy sản lượng tôm hàng năm đã tăng 31% lên 804.000 tấn trong năm 2019 từ 615.692 tấn trong năm 2018 và xuất khẩu tôm tăng 8% lên 667.140 tấn, chiếm 83% tổng sản lượng tôm năm 2019.

Xuất khẩu tăng do nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ từ Mỹ và Ấn Độ là nhà cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ vào năm 2019.

Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang thị trường Mỹ năm 2019 tăng 14% lên 282.584 tấn so với 247.783 tấn trong năm 2018.

Nước này cũng đã xuất khẩu 159.785 tấn tôm sang Trung Quốc; 73.702 tấn đến Liên minh châu Âu (EU); 39.688 tấn sang Nhật Bản; 31.727 tấn sang Việt Nam; 24.645 tấn đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE); và 56.762 tấn đến các khu vực khác.

Trại ương tôm giống

Theo Cơ quan Nuôi trồng thủy sản ven biển (CAA, thuộc Bộ Thủy sản và Chăn nuôi), có 311 trại sản xuất tôm ở Ấn Độ đã đăng kí nhập khẩu tôm giống Litopenaeus vannamei không chứa mầm bệnh từ 11 nhà cung cấp ở nước ngoài, với sản lượng hàng năm là 45 tỉ ấu trùng.

Ngoài ra còn có 90 trung tâm nuôi dưỡng ấu trùng tôm với công suất 8,12 tỉ ấu trùng được đăng kí với CAA để sản xuất giống cho nông dân nuôi trồng thủy sản.

Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 63.430 tôm giống trong quí đầu tiên của năm nay, cho đến khi chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống COVID-19.

Tính đến tháng ba, 16 tỉ ấu trùng tôm đã được sản xuất, trong đó, khoảng 1 - 1,5 tỉ ấu trùng đã bị các nhà điều hành trại giống loại bỏ do thiếu nhu cầu từ nông dân, làm xáo trộn chu kì sản xuất giống tôm tại các trại nuôi.

Khoảng 4 tỉ ấu trùng đã được sản xuất vào tháng 4, trong thời gian Ấn Độ phong tỏa.

Sau khi lệnh phong tỏa được áp đặt, việc thiếu tôm giống không chứa mầm bệnh đã khiến sản xuất giống và nhu cầu đối với ấu trùng giảm mạnh. Giá tôm giống đã tăng lên khoảng 30% trong ba tháng qua, và có thể tăng thêm trừ khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Trong ngành nuôi tôm Ấn Độ, quí I và đầu quí II của năm thường được gọi là vụ mùa hè và đây là mùa thích hợp nhất cho thả giống.

Tuy nhiên, việc chính thức áp đặt lệnh phong tỏa để phòng, chống COVID-19 vào cuối tháng 3 đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung ấu trùng và việc thả nuôi sau đó, khiến giá nguyên liệu giảm mạnh.

Do thị trường quốc tế biến động và dịch bệnh bùng phát, nông dân đã tiến hành thu hoạch khẩn cấp. Hầu hết nông dân thả nuôi tôm trong khoảng thời gian từ tháng một đến đầu tháng ba đều thu hoạch mặc dù tôm còn rất nhỏ.

Do đó, khoảng 70% diện tích nuôi tôm hiện đã sẵn sàng để thả giống. Dựa trên dữ liệu được thu thập từ các khu vực nuôi trồng thủy sản chính, diện tích ao đã được thả nuôi là khoảng 30%.

 
Dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới ngành tôm Ấn Độ? - Ảnh 3.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance

Giá tôm cổng trại đã ổn định từ tháng một đến tuần đầu tháng ba. Tuy nhiên, giá bắt đầu giảm trong tuần thứ hai của tháng ba và tiếp tục giảm cho đến hết tuần thứ ba của tháng 4.

Giá của tôm cỡ 30 con/kg và 40 con/kg đã giảm vào đầu tháng 5 năm nay, trong khi giá của các loại khác tăng lên. Những loại tôm kích thước lớn này được sử dụng nhiều trong các nhà hàng trong khi 70% số lượng nhà hàng trên toàn thế giới vẫn đóng cửa do đại dịch COVID-19

Ngoài ra, tôm kích cỡ trung bình có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường khác, cũng có thể được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Ông Mopidevi Venkataramana Rao, Bộ trưởng Bộ Chăn nuôi và Thủy sản bang Andhra Pradesh, gần đây tuyên bố rằng chính phủ Ấn Độ sẽ đảm bảo mức giá tối thiểu để hỗ trợ cho nông dân.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới ngành tôm Ấn Độ? - Ảnh 4.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance

Sản xuất thức ăn cho tôm

Năm 2019, hơn 30 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sản xuất thức ăn cho tôm, khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Trong quí I, khoảng 350.000 tấn thức ăn cho tôm đã được sản xuất, nhưng sản lượng cho tháng 4 ước tính đạt 80.000 tấn, thấp hơn 40% so với cùng kì năm 2019.

Bột cá là một trong những thành phần chính trong thức ăn cho tôm, nhưng trong quí I năm nay, Ấn Độ đã sản xuất bột cá ít hơn 46% so với lượng 120.000 tấn trong quí 1/2019. Sản lượng dầu cá trong quí I cũng giảm khoảng 28% so với quí I/2019.

Xuất khẩu tôm

Xuất khẩu tôm Ấn Độ đã tăng trưởng liên tục trong thập kỉ qua. Năm 2019, xuất khẩu tôm đã tạo ra doanh thu 5 tỉ USD, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.

Đất nước này hiện có khoảng 366 công ty xuất khẩu thủy sản được MPEDA phê duyệt và 60 cơ sở bảo quản lạnh. Tính đến tháng ba, khoảng 230.000 tấn tôm đã được sản xuất, trong đó 180.500 tấn (78%) được xuất khẩu sang các thị trường khác nhau trên thế giới.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới ngành tôm Ấn Độ? - Ảnh 5.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance

Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ trong quí I là Mỹ với khoảng 68.894 tấn, Trung Quốc với 24.848 tấn.

Ấn Độ chỉ xếp sau Ecuador - hiện là nhà cung cấp chính cho Trung Quốc, về khối lượng xuất khẩu. Ngoài ra, tôm nuôi cũng đang được tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới ngành tôm Ấn Độ? - Ảnh 6.


Theo vietnambiz.vn
Báo cáo phân tích thị trường