Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Tây Nguyên “sống khỏe” trong mùa hạn nhờ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm
16 | 07 | 2020
ông dân các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang từng bước hưởng lợi, tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian, không phải chật vật tìm nguồn nước tưới trong mùa hạn hán nhờ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Khổ vì hạn

Đắk Lắk và Đắk Nông là những địa phương có diện tích cây công nghiệp như cà phê, bơ, hồ tiêu, sầu riêng… tương đối lớn ở vùng Tây Nguyên. Đây cũng là những cây trồng chủ lực, tạo nguồn thu chính của bà con nông dân ở 2 tỉnh này.

Thế nhưng, khí hậu tại Đắk Lắk và Đắk Nông được chia ra 2 mùa nắng - mưa rõ rệt. Điều này đã gây ra một số khó khăn trong quá trình canh tác của bà con nông dân. Mùa khô tại các tỉnh này thường bắt đầu vào tháng 11 năm trước và kéo dài đến tháng 4 năm sau.

Trong điều kiện khí hậu của mùa khô (tức là sau thời điểm thu hoạch), các loại cây như hồ tiêu, cà phê cần được chăm sóc, tưới nước, bón phân kịp thời, đầy đủ để hồi phục, phát triển chồi, hoa cho lứa quả mùa tới.

Nông dân Tây Nguyên “sống khỏe” trong mùa hạn nhờ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm
Mô hình tưới nước tiết kiệm được nhiều người dân áp dụng tại xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.

Những năm gần đây, mùa hạn ở Đắk Lắk và Đắk Nông luôn thất thường, có khi kéo dài hơn chu kỳ trung bình, gây ra hạn hán. Vì vậy, người dân nơi đây phải rất vất vả để tìm nguồn nước tưới, đảm bảo mùa vụ. Thế nhưng, việc khai thác nước của người dân thường không hợp lý, mực nước ngầm ngày càng suy giảm nghiêm trọng, nhiều mùa hạn bà con phải chật vật ngày đêm nhưng vẫn không tìm đủ nước để tưới cây.  

Điển hình, trong vụ Đông-Xuân 2019-2020, trên toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5.415 ha cây trồng bị hạn gồm 2.344 ha lúa, 1.416 ha cây hoa màu, 1.655 ha cây lâu năm. Còn tỉnh Đắk Nông có khoảng 1.767 ha cà phê chịu thiệt hại do hạn hán.

Để đối phó với hạn hán, người dân đã tìm nhiều biện pháp nhằm tích nước trong mùa khô như nạo vét kênh mương, đào ao hồ, khoan giếng… Thế nhưng, cách tưới nước truyền thống (kéo ống, bơm nước trực tiếp) vừa gây lãng phị nước, xói mòn đất và tốn nhiều thời gian. Hơn thế, kiểu chống hạn theo mùa vụ không mang lại hiệu quả cao, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước tự nhiên khiến bà con nông dân luôn chật vật mỗi lần hạn hán kéo dài, diện tích cây trồng thiệt hại rất lớn.

Trong những năm gần đây, ngành chức năng các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã hỗ trợ, giúp bà con nông dân tiếp cận, nhân rộng những biện mô hình nước tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa…

Theo các đánh giá chuyên môn, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm là một giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” đối vưới người nông dân, cần được nhân rộng. Việc tưới nước tiết kiệm tốn ít nước, hạn chế sự tổn thất mất nước do bốc hơi, có thể điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của cây trồng. Hệ thống tưới cũng được tự động hóa, hạn chế tình trạng tưới thừa, tưới nhiều tạo thành dòng chảy khiến đất bị xói mòn.

Cần áp dụng tưới nước tiết kiệm

Phương pháp tưới tiết kiệm nước giúp người dân chủ động về thời gian bón phân mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Việc kết hợp bón phân qua hệ thống tưới nước tiết kiệm sẽ làm tăng hiệu lực sử dụng phân bón, giảm suy thoái và ô nhiễm môi trường…

Theo đó, hệ thống tưới tiết kiệm được hoạt động theo nguyên tắc: nước được máy bơm đẩy lên từ một nguồn nước cố định như giếng, ao hồ... đi qua bể chứa phân bón và được hệ thống ống dẫn đến từng cây. Ở mỗi cây sẽ có 1 vòi phun cố định và vòi béc xoay 360 độ để có thể phân tán lượng nước, lượng phân đều quanh gốc.

Nông dân Tây Nguyên “sống khỏe” trong mùa hạn nhờ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm
Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Nông hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho người dân trồng hồ tiêu.

Ngoài việc giảm thời gian, sức lao động, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cũng giúp nông dân tiết kiệm khoảng 20-30% lượng nước so với phương pháp tưới nước thông thường.

Hiện nay, mô hình tưới nước tiết kiệm được áp dụng rất nhiều tại các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar của tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, mô hình tưới nước tiết kiệm đã giúp người nông dân trải nghiệm với kỹ thuật canh tác hiện đại, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất cây trồng.

Điển hình, từ năm 2014, nhận thấy tình hình hạn hán thường kéo dài, gây thiệt hại đến cây trồng, gia đình ông Nguyễn Đức Mạnh (ở thôn 2 xã Cư Suê) đã đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1,4 ha cà phê của gia đình. Nhờ áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, trong những năm qua, diện tích cây cà phê của gia đình không bị ảnh hưởng của hạn hán như trước, năng suất cà phê luôn ổn định trên 5 tấn/ha.

Tương tự, vào năm 2016, chị Triệu Thị Thủy (ở thôn 3, xã Cư Suê) đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho hơn 1 ha tiêu xen cà phê của gia đình. Theo chị Thủy, ngoài việc tiết kiệm nước từ 20-30%, giảm nhân công lao động, hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng giúp chị hạn chế được tình trạng xói mòn đất, giữ độ ẩm lâu cho đất, đáp ứng đủ nhu cầu nước trong quá trình phát triển của cây trồng.

Còn tại Đắk Nông, mô hình tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israen được hỗ trợ triển khai đầu tiên tại 3 huyện: Đắk R’lấp, Cư Jút và thành phố Gia Nghĩa sau đó nhân rộng ra các huyện Đắk Song, Tuy Đức…và đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Theo anh Phạm Văn Phu (thôn Tân Phú, xã Đăk R’moan, thành phố Gia Nghĩa), công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua đường ống tưới giúp cây hồ tiêu phát triển tốt hơn so với cách tưới, bón truyền thống. Bà con chỉ cần hòa phân vào phi nước và bật cầu giao là tưới nên không sợ trời nắng và tiết kiệm được rất nhiều công sức.

Còn chị Nguyễn Thị Út (thôn 1, xã Cư Knia, huyện Cư Jút) cho biết, cách tưới nhỏ giọt cho cây tiêu không những giảm thiểu được lượng nước thất thoát mà còn tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, công lao động, giúp đất luôn tơi xốp, giảm đáng kể chi phí sản xuất cho người trồng.

Chị Út trao đổi: “Theo cách tưới thủ công, người nông dân phải trực tiếp kéo ống, phải có người trực tiếp tưới nên tốn công sức, thời gian. Còn khi áp dụng cách tưới nhỏ giọt, chỉ cần bật cầu giao là nước sẽ tưới đều từng gốc. Tuy lượng nước không nhiều nhưng được thẩm thấu hết nên đất giữ được độ ẩm lâu”.

Ông Nguyễn Tiến Lợi (thôn 1, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) thì cho rằng, khi áp dụng tưới tiết kiệm nước sẽ giảm được rất nhiều chi phí so với sản xuất hồ tiêu theo cách thông thường. Cụ thể, nếu tưới theo cách truyền thống thì 1.200 gốc hồ tiêu của gia đình sẽ tốn khoảng 100m3 nước, trong khi tưới nhỏ giọt chỉ cần 30m3. Ngoài ra, phương pháp tưới tiết kiệm còn giúp hạt của hồ tiêu no tròn, sản lượng cao hơn bình thường do lượng nước được cung cấp đầy đủ và đồng đều.

Có thể nói, việc thay đổi phương pháp tưới mới theo dạng tiết kiệm nước (nhỏ giọt, phun mưa) kết hợp với bón phân, thuốc… đã phần nào giải quyết được vấn đề nước tưới trong mùa khô và giúp bà con nông dân nhận thức rõ ràng hơn về việc áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật tiến bộ trong canh tác, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Được biết, trước tình hình khô hạn ngày càng có diễn biến phức tạp, Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Đắk Nông đang hỗ trợ nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 200 tỷ đồng trong thời gian từ 2016- 2020.

Theo dự kiến, đến thời điểm kết thúc dự án, khoảng 600 ha cà phê sẽ được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Đắk Nông phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông, để mô hình tưới tiết kiệm nước ngày càng được nhân rộng, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng liên quan nghiên cứu, ứng dụng triển khai xây dựng, đánh giá, lựa chọn phổ biến nhân rộng các giải pháp kỹ thuật tưới phù hợp với các đối tượng cây trồng, điều kiện tự nhiên - xã hội, tập quán canh tác, sử dụng nước của bà con nông dân trên địa bàn, nhằm phát triển sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

 



Báo cáo phân tích thị trường