Trong hơn một thập kỷ qua đã có 3% diện tích rừng bị tàn phá, bình quân mỗi năm mất 7,3 triệu ha. Thế giới cần đầu tư 10-15 tỷ USD/năm mới có thể giảm một nửa diện tích rừng bị thiêu đốt. Báo cáo của Tổ chức Nông, Lương Liên hiệp quốc (FAO) về “Tình trạng rừng thế giới năm 2007” vừa công bố nhấn mạnh tới việc cấp thiết phải bảo vệ rừng nguyên sinh trước sự đe dọa của hiện tượng biến đổi khí hậu trái đất ấm lên. Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho biết từ tháng 12/2006 đến tháng 2 năm nay, trái đất trải qua đợt nóng nhất kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi nhận nhiệt độ trái đất năm 1880.
Nhiệt độ trung bình trên thế giới trong tháng 1/2007 đã cao hơn mức nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 là 1,3 độ F (0,72 độ C). Hiện tượng khí hậu El Nino là do nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền ấm lên, gây ra hạn hán kéo dài, mưa lớn, bão tuyết và lũ lụt diễn ra thường xuyên. Các chuyên gia khí tượng cho biết lượng dioxit carbon (MtCO2e) tăng lên là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu trái đất, trong đó nạn đốt phá rừng nhiệt đới đã đóng góp từ 10-30% lượng khí thải làm cho trái đất ấm lên.
FAO cho rằng châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribê có diện tích rừng giảm mạnh nhất. Châu Phi hiện chiếm 16% diện tích rừng thế giới, đã mất 9% rừng trong giai đoạn 1990-2005, giảm mỗi năm 0,64%, mức cao nhất thế giới. Diện tích rừng khu vực Mỹ Latinh và Caribê chiếm 47% diện tích rừng thế giới, giảm 64 triệu ha, diện tích rừng giảm mạnh nhất từ 0,46%-0,51%/năm trong thời gian 2000-2005, chủ yếu do đất rừng biến thành đất nông nghiệp.
Các nhà khoa học Panama nghiên cứu về rừng nhiệt đới Amazon cho biết nạn phá rừng ở đây đã đến mức báo động. Rừng bị tàn phá và bị chia cắt đã đưa những luồng gió nóng đến, làm cho nhiều cây lớn bị chết sớm. Nhiều loài cây lấy gỗ, các thảm thực vật và nhiều loài động vật sống dựa vào những cây cổ thụ đang biến mất khỏi khu rừng rậm nhiệt đới này, tốc độ nhanh hơn so với dự báo của các nhà khoa học trước đây. William Laurance thuộc Viện nghiên cứu nhiệt đới Smitsonit ở Panama cho biết nhiều loài cây ở rừng nhiệt đới Amazon có thể sống hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm.
Qua nghiên cứu 32.000 cây ở rừng nhiệt đới Amazon suốt 32 năm cho thấy chỉ trong một thập kỷ, những loài cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi đã bị huỷ hoại nghiêm trọng. Cộng đồng thực vật ở đây đang bị phát quang và chia nhỏ do sự bành trướng của các trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn, nạn đốt phá rừng lấy đất trồng trọt, nạn đốn gỗ trái phép và hiểm họa cháy rừng.
Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết trong 5 năm qua tốc độ phá rừng tăng nhanh tại Đông Nam Á, đe dọa môi trường sống của con người cũng như sự tồn tại của nhiều loài động, thực vật bị đe dọa.