Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
10 tháng ngành đường thực thi ATIGA: Thêm 4 nhà máy chuẩn bị đóng cửa
04 | 11 | 2020
Bước sang niên vụ 2020 - 2021, dự kiến có 4 nhà máy phải đóng cửa là Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không có đủ mía nguyên liệu hoặc hoạt động không hiệu quả, ngân hàng phát mãi.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng

Vùng nguyên liệu giảm dần

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2019-2020, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn so vói niên vụ trước), nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường. 

Nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.

Giá đường xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại, kéo theo giá mía xuống thấp.

Dù các Nhà máy đường đã cố gắng hết sức để kìm hãm đà tụt giảm giá mía, nhằm duy trì vùng nguyên liệu, nhưng không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác.

Còn theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng hợp từ số liệu của các địa phương có Nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ 2019-2020 là 182.599 ha, giảm 18,4% so với vụ năm 2018 - 2019 (223.847 ha). 

Năng suất mía bình quân vụ 2019-2020 đạt 61,5 tấn/ha, giảm 1,9% so với vụ 2018 - 2019 (62,7 tấn/ha), dẫn tới sản lượng mía vụ 2019-2020 chỉ đạt hơn 11,2 triệu tấn, giảm 20,0% so với vụ 2018 - 2019 (14 triệu tấn).

10 tháng ngành đường thực thi ATIGA: Thêm 4 nhà máy chuẩn bị đóng cửa - Ảnh 1.

So sánh tình hình sản xuất mía ở các địa phương có Nhà máy đường niên vụ 2018-2019 và 2019-2020. Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết mặc dù giá thu mua mía niên vụ qua có tăng nhưng cũng không đủ cho người dân trang trải tiền sinh hoạt. 

Người nông dân nào còn gắn bó với cây mía thì cũng khó bởi giá mía không cao. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tăng giá mía thì họ càng thu lỗ bởi hiện giá bán đang quá thấp, có lúc xuống dưới giá thành sản xuất. Nhưng nếu không mía, nhà máy buộc phải đóng cửa.

Lượng đường nhập khẩu tăng đột biến sau khi thực hiện ATIGA

Vào cuối năm 2019, khi bắt đầu vào vụ ép mía 2019/20, với viễn cảnh dự báo thiếu cung đường trong năm 2020, giá đường có xu hướng tăng vào đầu vụ và việc tiêu thụ đường tồn kho của vụ trước tương đối thuận lợi. 

Tuy nhiên, bước vào năm 2020 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA cho ngành đường và dịch COVID19 bắt đầu bùng phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sút, giá đường bắt đầu giảm và việc tiêu thụ trở nên khó khăn. 

Trong lúc đó việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập khẩu rất lớn. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (89,9%).

10 tháng ngành đường thực thi ATIGA: Thêm 4 nhà máy chuẩn bị đóng cửa - Ảnh 2.

Lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam 8 tháng đầu năm. Nguồn: Tổng Cục Hải quan.

"Trước khi ATIGA có hiệu lực, ngành đường đối mặt với nạn đường nhập lậu. Tuy nhiên, khi có ATIGA, không chỉ đường lậu, đường chính ngạch giá rẻ tràn càng nhiều vào Việt Nam. 

Hiện nay, đường lậu và đường nhập khẩu chính ngạch đang chiếm chủ yếu thị phần tại Việt Nam. Đường từ mía sản lượng thấp trong khi giá bán không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu". ông Lộc chia sẻ.

Ông Lộc cho biết hiện ngành đang chờ đợi kết quả từ cuộc điều tra chống bán phá giá đường nhập từ Thái Lan. 

"Thông thường các ngành khác sẽ phục hồi nhanh nếu có các biện pháp phòng vệ thương mại. Nhưng đối với ngành đường sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể vực lại được bởi còn phải khôi phục vùng nguyên liệu", ông Lộc nói.

Doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay các nhà máy chỉ có hai sự lựa chọn.

Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động. Hệ quả là ngân sách sửa chữa bảo dưỡng bị thu hẹp, quĩ lương công nhân bị cắt xén phải nợ lương, thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán hết tiền mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3,4 tháng. 

Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động và chấp nhận đối mặt với một viễn cảnh còn tồi tệ hơn là sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính dẫn đến phản ứng tất nhiên từ các ngân hàng: thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân.

"Niên vụ vừa rồi, doanh nghiệp hoạt động lỗ. Tiêu thụ chưa thể được so với đường nhập lậu bởi đường nhập lậu giá rẻ nếu bán theo thì càng lỗ thêm. 

Bước sang niên vụ 2020 - 2021, dự kiến có 4 nhà máy phải đóng cửa là Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không có đủ mía nguyên liệu hoặc hoạt động không hiệu quả, ngân hàng phát mãi. 

Ngay cả khi năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên năng suất cây mía tăng, nhưng do diện tích giảm nên tổng sản lượng mía tối đa cũng chỉ bằng niên vụ trước.", ông Lộc nói.

Như vậy bước sang niên vụ mới chỉ có 25 nhà máy, với tổng công suất chế biến thiết kế là 95.700 tấn mía/ngày.

Theo ông Lộc, các doanh nghiệp đường lớn khác như  Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) hay Công ty CP Mía đường Quảng Ngãi sức chống chịu tốt hơn do các ngành khác chống đỡ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí III niên độ 2019 – 2020 của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, doanh thu thuần đạt 2.974 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kì năm ngoái. 

Trong đó, doanh thu bán đường đạt 2.610 tỉ đồng, tăng 39%. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, lãi gộp đạt 524 tỉ đồng, tăng mạnh 80% so với cùng kì năm trước.

TTC Sugar dự kiến đặt mục tiêu doanh thu 14.358 tỉ đồng trong niên độ 2020 – 2021, tăng trưởng 11% so với niên độ 2019 – 2020. Lợi nhuận trước thuế ước tính tăng 29% từ 512 tỉ đồng lên 662 tỉ đồng.

"Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ thuần túy với mía đường thì thê thảm lắm. Nếu không có mía thì nhà máy phải đóng cửa", đại diện Hiệp hội Mía đường cho biết.

Giải quyết thiếu nguyên liệu mía

Để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, trong niên vụ tới Hiệp hội xây dựng các vùng nguyên liệu theo hưóng hợp tác, liên kết giữa các nhà máy với nông dân để hình thành cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch.

Phát triển vùng nguyên liệu gắn với lợi thế của vùng, hình thành những vùng chuyên canh mía gắn với các nhà máy đường. Xây dựng cơ chế khuyến khích với vùng chuyên canh, tạo cơ chế đặc thù giúp xây dựng, phát triển các vùng sản xuất mía nguyên liệu ổn định lâu dài.

Rà soát, đánh giá doanh nghiệp mía đường theo khả năng cạnh tranh để có định hưóng đầu tư, tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ. Khuyến khích liên kết các nhà máy đường để hình thành hệ thống các nhà máy cung cấp đưòng thô và các nhà máy chế biến đường tinh luyện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mía đường nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chế biến và đa dạng hóa sản phấm, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chế biến các sản phẩm phụ ngành đường, các sản phẩm cạnh đường; phát triển sản phẩm đường chất lượng cao, đường hữu cơ



Báo cáo phân tích thị trường