Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin thị trường rau quả tháng 10/2020
11 | 11 | 2020

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10/2020 ước đạt 230 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,72 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 với 57,5% thị phần, với giá trị xuất khẩu đạt 1,43 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng ngoại trừ thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Hà Lan với mức giảm lần lượt là 25,9%, 2% và 3,7%. Giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng giảm, trong đó có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 36,4% tổng giá trị xuất khẩu), đạt 906,7 triệu USD, giảm 7,2%; chuối đạt 138,2 triệu USD (chiếm 5,5%, giảm 11,7%); chanh đạt 108,6 triệu USD (chiếm 4,4%, giảm 2,4%); sầu riêng đạt 94,6 triệu USD (chiếm 3,8%, giảm 56,2%); …

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 10/2020 ước đạt 104 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2020 đạt 1,04 tỷ USD, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ôxtrâylia là ba thị trường chính cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam, với giá trị nhập khẩu lần lượt là 240,9 triệu USD (chiếm 25,7% tổng giá trị nhập khẩu, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước); 221,3 triệu USD (chiếm 23,6%, tăng 4,5%) và 84,6 triệu USD (chiếm 9%, tăng 2,6%).

Trên thị trường thế giới, lượng chuối xuất khẩu của Campuchia tăng mạnh nhờ nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Các lô hàng chuối xuất khẩu của nước này đã tăng mạnh trở lại kể từ khi Trung Quốc công bố các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa nhập khẩu. Dự báo, lượng chuối xuất khẩu của Campuchia sang thị trường 1,4 tỷ dân sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do các đơn đặt hàng từ Trung Quốc ngày một nhiều.

Thị trường rau quả tại Trung Quốc trong tháng qua tăng đáng kể do nhu cầu tăng phục vụ ngày lễ Trung Thu, Quốc khánh trong khi nguồn cung một số loại rau, trái cây bị giảm do ảnh hưởng của đợt lũ lớn tại tỉnh Hồ Bắc.

Tại thị trường trong nước, giá nhãn nghịch mùa và cuối vụ tại tỉnh Đồng Tháp tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7 và tháng 9/2020, đạt mức giá tại vườn là 30.000 - 32.000 đồng/kg đối với nhãn Edor và xuồng cơm vàng, nhãn tiêu da bò giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Giá nhãn tăng là do đang vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu thụ nhãn tại thị trường trong nước và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Trong những ngày qua, các tỉnh thành miền Trung đã liên tiếp gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ và bão gây ra, dẫn đến nguồn hàng rau xanh bị khan hiếm, đội giá cao khiến người tiêu dùng “chóng mặt”. Tại TP Đà Nẵng, mặc dù gần đây đã ngưng mưa lớn, có nắng ráo nhưng nhiều tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập úng, giá mỗi loại tăng từ 5.000 - 10.000 đ/kg. Cụ thể, đậu cove và khổ qua là 30.000 đ/kg (tăng 10.000 đ/kg), cà rốt là 25.000 đ/kg, dưa leo 20.000 đ/kg, thơm 17.000 đ/kg (tăng 9.000 đ/kg)… Tương tự tại Quảng Ngãi, giá các loại rau xanh phổ biến như mồng tơi, rau má, mã đề, dưa leo… có giá từ 35.000 - 40.000 đ/kg; xà lách 45.000 - 50.000 đ/kg; các loại rau thơm có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg...

Chi Lê đã thông báo về việc thiết lập các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu (đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường) đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam. Tuy nhiên, quả bưởi nước ta phải đạt yêu cầu kiểm dịch thực vật của Chi Lê, cụ thể: (i) lô hàng không có động vật chân khớp, là các loài có tên khoa học sau: Eutetranychus orientalis, Ferrisia virgata, Maconellicoccus hirsutus, Prays citri, P. endocarpa, Citripestis sagittiferella; (ii) lô hàng phải được xử lí chiếu xạ 150 Gy để kiểm soát các loại ruồi đục trái như Bactrocera cucurbitae, Bactrocera dorsalis, được xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

 



Báo cáo phân tích thị trường