Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT
Trong tháng 10/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 50 nghìn tấn với giá trị 297 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt 10 tháng đầu năm 2020 đạt 415 nghìn tấn và 2,61 tỷ USD, tăng 11,5% về khối lượng nhưng giảm 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 33,5%, 13% và 12,7% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Nhật tăng 68,9%, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Nga giảm 33,9%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6.332 USD/tấn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 10/2020 ước đạt 76 nghìn tấn với giá trị đạt 95 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 10 tháng đầu năm 2020 đạt 1,19 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 16% về khối lượng và giảm 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu hạt điều chính trong tháng 8 năm 2020 là Bờ Biển Ngà, Campuchia và Gana. Giá giao dịch điều nhân (FOB HCM) tháng 10 giao động ở mức 6.062 đến 6834 USD/tấn đối với mã W320, tùy từng nhà máy, mã W240 ở mức 7.165 đến 7.716 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu biến động tăng nhẹ trong tháng 10/2020. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước tăng từ 29.000 đ/kg lên 30.000 đ/kg; tại Đồng Nai, điều thô mua xô giữ nguyên mức 32.000 đ/kg. Hiện tại, nhu cầu thu mua để chế biến từ các cơ sở nhỏ là một trong những nguyên nhân đẩy giá điều thô tăng lên.
Trên thị trường thế giới, hạt điều Ấn Độ không có triển vọng đi xuống, song mùa mưa lại là trở ngại lớn khiến các thương nhân lo ngại sẽ kéo theo xu hướng tiêu cực. Nhu cầu tiêu dùng hạt điều trong mùa lễ hội Diwali, mừng năm mới 2021, mùa cưới sẽ là các nhân tố tích cực thúc đẩy tiêu thụ trong thời gian tới. Tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ, giá hạt điều ổn định ở mức 8.818 USD/tấn; W-320 ở mức 7.936 USD/tấn; W-450 ở mức 6.944 USD/tấn; S-W320 ở mức 6.393 USD/tấn.
Đối với thị trường điều thô, hiện nay điều thô đang được chào giá nhiều hơn do các chủ hàng muốn đẩy lượng tồn kho trước khi điều thô Tanzania vụ mới được bán ra thị trường. Giá điều thô Indonesia giảm nhẹ, tuy nhiên các nhà chế biến vẫn đang đợi giá xuống thấp hơn, vì với giá hiện tại nếu so sánh với giá điều nhân (quy đổi) vẫn rất cao. Trong tuần đầu tiên của tháng 10/2020 đã có phiên đấu giá điều thô đầu tiên vụ mùa mới của Tanzania. Chính phủ nước này đang muốn bán với giá giao động từ 1570 – 1600 USD/tấn cho loại 52/190 đã bao gồm chi phí và lợi nhuận nhà xuất khẩu. Với giá này hầu như các nhà máy Việt Nam chưa thể mua vào.
Dự báo xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục tăng, do nhu cầu phục vụ các dịp lễ tết cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố bất định về nhu cầu tiêu thụ điều nhân chế biến như hạt điều không phải là thực phẩm thiết yếu và rủi ro từ đại dịch Covid-19 tái bùng phát lại ở EU, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước lớn khác. Sức mua từ thị trường Trung Quốc không quá lớn, còn phía các nhà nhập khẩu từ Mỹ và EU đã trữ đủ hàng tồn kho đế tháng 12/2020, nên mục tiêu mà ngành điều Việt Nam đề ra đạt 450 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD đến hết năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, lương cung điều thô trên thế giới vẫn còn rất lớn, vì thế trong những tháng tới giá điều thô vẫn còn khả năng.