Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước
15 | 12 | 2020
Thiếu đường hoặc phải phụ thuộc nhập khẩu đường từ nước khác có thể đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia trong tương lai.

Theo Tạp chí Tài chính

Mía đường: Vai trò quan trọng với quốc gia

Lịch sử đã chứng minh, đường có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Đường mía ra đời cách đây 2.400 năm, từng là thực phẩm xa xỉ ở châu Âu, cho đến thế kỷ 19 bắt đầu phổ biến khắp thế giới. Đường tạo ra những thay đổi vô cùng to lớn về kinh tế xã hội khi tham gia sâu rộng vào các ngành công nghiệp thực phẩm (bánh, kẹo, đồ uống, café, ngũ cốc…) và dược phẩm (tá dược, siro…).

Vị ngọt ngào của đường tạo nên cảm giác ngon miệng và niềm vui cho người dùng. Về tiêu thụ, năm 2018, bình quân mỗi người trên thế giới sử dụng 22,6kg đường mỗi năm. Các quốc gia tiêu thụ nhiều nhất phải kể đến Israel (63,8kg), Malaysia (58,2kg), Singapore (46,9kg), Thái Lan (43,2kg), Mỹ (31,1kg)…

Việt Nam thuộc nhóm tiêu thụ ít, song tăng đều theo các năm, từ 13,8kg/người năm 2012 lên 15,9kg năm 2018. Đối chứng dài hơn, tiêu thụ đường đã tăng với tốc độ 24%, từ 0,64 triệu tấn/năm giai đoạn 1994-1998 lên tới 1,6 triệu tấn/năm giai đoạn 2013-2018. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tiêu thụ đường nội địa của chúng ta sẽ còn tăng lên 1,8 triệu tấn vào 2023.

Về sản xuất, hiện có 120 quốc gia sản xuất 180 triệu tấn đường mỗi năm. Đường mía tiếp tục chiếm 2/3 nguồn cung đường thế giới. Trên bản đồ thế giới, mía đường Việt Nam có vị thế nhất định, đứng thứ 14 về diện tích trồng mía và sản lượng, Bakertilly A&C báo cáo năm 2018. Tuy nhiên, những năm gần đây ngành đường Việt Nam liên tục chịu sự công kích từ đường lậu giá rẻ. Niên vụ 2017-2018, đường lậu ước chiếm hơn 33% thị phần đường toàn quốc.

Đầu năm nay, thêm hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực khiến “miếng bánh thị phần” ngành đường bị xé nhỏ. Giá đường sụt giảm kéo giá mía thu mua cũng giảm theo, nông dân rời bỏ cây mía khiến vùng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất đường trong nước.

Thuế phòng vệ thương mại: Giải pháp cấp bách

Đường nằm trong danh sách 21 vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp do Bộ Công Thương khởi xướng.

Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mía đường còn giải quyết sinh kế cho trên 35 vạn hộ nông dân. Đồng thời, tạo việc làm cho 150 nghìn lao động tại các nhà máy sản xuất đường trên toàn quốc. Với 270.000 ha trồng mía, niên vụ 2018-2019, Việt Nam sản xuất được 1,2 triệu tấn đường. Song năm nay, đường ngoại giá rẻ đã kéo sản lượng đường mía Việt Nam niên vụ 2019-2020 sụt giảm gần 35%, xuống còn chưa tới 800.000 tấn.

Năng lực trồng mía của Việt Nam vốn vượt trội so với nhiều quốc gia. Nếu năng suất bình quân thế giới là 70-75 tấn/ha, thì Việt Nam có nhiều câu lạc bộ nông dân trồng được 100 tấn mía mỗi ha với chữ đường đạt trên 11 CCS ở Thanh Hóa, Gia Lai...

Năng suất mía ở nhiều vùng của Việt Nam cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân thế giới.  

Năng suất mía ở nhiều vùng của Việt Nam cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân thế giới.  

Đợt hạn hán hồi đầu năm gây ảnh hưởng đến cánh đồng mía nhiều quốc gia, làm giảm năng suất của Thái Lan xuống còn 44 tấn mía/ha, trong khi Việt Nam vẫn thu hoạch bình quân 53 tấn/ha. Điều này cho thấy, trong cùng hoàn cảnh chịu khô hạn như nhau, ngành mía đường trong nước tự tin về năng lực cạnh tranh nếu được đưa về điều kiện ngang bằng.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đến ngày 30/6 đã tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD sau đợt hạn. Điều này tạo điều kiện cho đường Thái hạ giá thành, thậm chí được cho là bán phá giá khắp khu vực và toàn cầu. Tồn tại nghịch lý là giá bán loại đường nhập vào Việt Nam còn thấp hơn cả giá mua mía tại Thái Lan.

Số liệu từ Văn phòng Hội đồng Mía đường Thái Lan (OCSB) đã bóc trần Thái Lan đang xuất khẩu đường thô và luyện sang Việt Nam với giá bình quân chỉ 334 USD/tấn. Mức này không chỉ “rẻ bằng nửa” giá bán 755 USD/tấn hiện hành tại thị trường nội địa Thái Lan, mà còn thấp hơn cả chi phí mua mía 410 USD/tấn để làm đường.

Đáp lại sự việc này, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước.  

Hồ sơ và các bằng chứng đã được gửi lên Bộ Công Thương vào tháng 6/2020, ngay sau khi số liệu lượng đường Thái đổ bộ vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy tăng đột biến, lên tới 500.000 tấn, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.  

Thuế phòng vệ thương mại là giải pháp cấp bách hiện nay để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía. Qua hai vụ mía liên tiếp thiếu nguyên liệu trầm trọng, các nhà máy đều cố gắng tìm kiếm thêm quỹ đất mới để phát triển cây mía. Song điều này không dễ, doanh nghiệp khó thuyết phục nông dân, bởi giá đường giảm đang kéo theo giá thu mua mía sụt giảm mạnh.

Hiện, giá trước thuế giá trị gia tăng của đường RS hiện chỉ còn 9.800 đồng/kg (giảm 2.200 đồng/kg), đường RE chỉ còn 11.000 đồng/kg (giảm 2.300 đồng/kg) so với niên vụ trước. Giá thu mua mía cũng ảnh hưởng theo, giảm từ 900 đồng xuống còn 750 đồng/kg mía 10 chữ đường.

Vấn đề đang được đặt ra, nếu vùng nguyên liệu tiếp tục giảm do nông dân bỏ mía, thì ngành đường Việt Nam sẽ sớm mất dần chỗ đứng từ sân chơi nội đến ngoại. Việt Nam sẽ phải chịu phụ thuộc vào các nước khác, từ đó sẽ không đảm bảo bền vững cho an ninh lương thực quốc gia cũng như đe dọa gián tiếp đến nhiều ngành thực phẩm liên quan khác.



Báo cáo phân tích thị trường