Nguồn: Vietnambiz.vn
Chiều 11/12, tại Hà Nội và TP HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (HAWA) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức trực tuyến Hội thảo Quốc tế Việt Nam - EU: “Thực hành thương mại gỗ có trách nhiệm, giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giúp lấp đầy khoảng trống giữa Nghị định VNTLAS và Hiệp định VPA”.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng, và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.
Chính phủ Việt Nam đã tích cực nội luật hóa nội dung của hiệp định này thành các điều khoản của Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/9/2020 qui định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS).
Đến nay, Nghị định VNTLAS đã được triển khai rộng khắp trong các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Khanh cho hay phía EU nhận thấy Nghị định VNTLAS chưa phản ánh đầy đủ nội dung của Hiệp định VPA-FLEGT và bước đầu đã đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn cho các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam.
"Chúng tôi nhận thức được mối lo ngại của EU về hiệu quả kiểm soát gỗ nhập khẩu và sự chưa đầy đủ của hệ thống phân loại doanh nghiệp sẽ khiến cho việc kiểm soát rủi ro gỗ bất hợp pháp lọt vào chuỗi cung ứng của ngành chế biến gỗ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn", ông Khanh chia sẻ.
Về phía châu Âu, ông Rui Ludovino, Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, chia sẻ sau hơn một năm Hiệp định VPA-FLEGT đi vào thực thi, EU đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nội luật hóa các nội dung của hiệp định và phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Nghị định VNTLAS và Hiệp định VPA-FLEGT vẫn còn nhiều sự khác biệt. Điển hình như các qui định liên quan đến phạm vi áp dụng, nguồn gỗ, kiểm soát nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, cấp phép FLEGT, đánh giá độc lập...
Do đó, ông Rui Ludovino cho rằng cần phải có giải pháp điều chỉnh để đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ được lưu thông giữa Việt Nam và EU là gỗ hợp pháp, đảm bảo tính bền vững.
Còn theo ông Tim Dawson, Chuyên gia Viện Lâm nghiệp châu Âu (EFI), phạm vi điều chỉnh của Nghị định VNTLAS so với Hiệp định VPA-FLEGT chỉ mới phù hợp một phần.
Cụ thể, Nghị định chỉ đề cập tới gỗ nhập khẩu và xuất khẩu trong khi các giai đoạn khác của chuỗi cung ứng (khai thác, vận chuyển, mua bán và chế biến gỗ) tuân thủ theo các qui định pháp luật khác liên quan.
Bên cạnh đó, phạm vi các doanh nghiệp, hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp của Nghị định VNTLAS chỉ áp dụng cho "các doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu gỗ, trong khi hệ thống phân loại tổ chức của Hiệp định VPA-FLEGT áp dụng cho tất cả các tổ chức trong toàn bộ chuỗi cung.
Ngoài ra cách xác định nguồn gốc gỗ của Nghị định VNTLAS cũng chưa phù hợp so với Hiệp định VPA-FLEGT.
"Với gỗ sau xử lí tịch thu, Hiệp định VPA-FLEGT định nghĩa gỗ hợp pháp là gỗ được khai thác và chế biến một cách hợp pháp, không có khái niệm "tạm nhập tái xuất" nhưng yêu cầu tất cả gỗ nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm soát của Nghị định VNTLAS.
Trong khi đó, Nghị định VNTLAS chỉ đề cập tới "tạm nhập tái xuất" chỉ trong việc cấp phép, vì vậy cần làm thống nhất gỗ tạm nhập tái xuất cũng phải chịu kiểm soát nhập khẩu", Chuyên gia Viện Lâm nghiệp châu Âu dẫn chứng.
Trước những khó khăn mới đặt ra trong mối quan hệ EU và Việt Nam sau khi Nghị định VNTLAS được kí, Chủ tịch HAWA đề xuất các nhóm giải pháp giảm thiểu và hóa giải những sự khác biệt trên thông qua cách tiếp cận mềm.
"Đó là “Thực hành Thương mại Gỗ có Trách nhiệm” thông qua Dự án HAWA DDS. Đây là dự án dựa trên tình hình thực tế và tham vấn ý kiến của các bên liên quan như Tổng Cục Lâm Nghiệp, các tổ chức và chuyên gia châu Âu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Từ đó vừa hoàn thiện nó dưới dạng đề xuất chính sách cho nhà nước, vừa cụ thể hóa nó thành các giải pháp khả thi trên nền tảng công nghệ hông tin của Hệ thống Giải trình và Truy xuất Nguồn gốc Gỗ", ông Khanh chia sẻ.
Ông Đào Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lí và Phát triển Dự án nền tảng HAWA DDS, phân tích thêm: "Khi khái niệm mới về thương mại gỗ có trách nhiệm được phổ biến rộng rãi thông qua hệ thống HAWA DDS thì cơ quan quản lí Việt Nam sẽ có thể hiện thực hóa việc tạo ra chuỗi cung ứng sạch cho doanh nghiệp.
Từ đó nâng cao được độ tin cậy của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế.
Đồng thời giúp lấp đầy khoảng trống giữa Nghị định VNTLAS và Hiệp định VPA-FLEGT, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào thị trường EU thời gian tới".