Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 2/2021
11 | 03 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong khu vực, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu đạt 300 triệu USD, tăng 30,39%; nhập khẩu đạt 439 triệu USD, tăng 105,22%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN là rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, cao su thịt và các sản phẩm thịt. Ngoại trừ 4 mặt hàng có xuất khẩu giảm là: sắn và các sản phẩm sắn (-32%), chè (-22%), cao su (-9%), hạt điều (-8%). Các mặt hàng còn lại đều có tăng trưởng dương, đặt biệt là một số mặt hàng như phân bón các loại (+127%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (+75%), gỗ và các sản phẩm gỗ (+52%), hạt tiêu (+38%), thịt (+37%), gạo (+35%), thủy sản (+22%), rau quả (+15%)… ( chi tiết phụ lục đính kèm).

Hội nghị Bộ trưởng Không chính thức ASEAN (IAMM) đã được triệu tập vào ngày 2/3/2021 thông qua cầu truyền hình. Các nước ASEAN đã thống nhất sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vaccine hỗ trợ người dân các nước thành viên, trên cơ sở phân bổ đồng đều cho cả 10 nước. Việc triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN cũng đang tiến triển khả quan trên cả 3 trụ cột Cộng đồng, với 24/183 sáng kiến đã hoàn tất và 127 sáng kiến dự kiến triển khai trong năm 2021. Các nước ASEAN cũng nhất trí sớm bắt tay vào xây dựng Khung hành lang đi lại ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của người dân các nước ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Ngày 2/3 Thái Lan đã thông qua việc mở lại ba trạm kiểm soát biên giới nối Thái Lan với Lào bị đóng cửa để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19 kể từ đợt bùng phát đầu tiên năm ngoái. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại sẽ chỉ áp dụng cho vận chuyển hàng hóa và sản phẩm. Các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 nghiêm ngặt sẽ được áp dụng tại các trạm kiểm soát. Lào hiện là đối tác thương mại qua biên giới lớn thứ hai của Thái Lan sau Malaysia. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, thương mại qua biên giới của nước này với Lào trong năm 2020 đạt 190 tỷ baht (6,27 tỷ USD), giảm 3,85% so với năm trước. Năm ngoái, tổng thương mại biên giới của Thái Lan giảm 1,7% so với năm 2019, chủ yếu là do đại dịch COVID-19 và việc đóng cửa các trạm kiểm soát biên giới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như việc đồng baht mạnh lên. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo thương mại xuyên biên giới của nước này sẽ phục hồi với mức tăng trưởng từ 3-6% trong năm nay, nhờ vào việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 và sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Thương mại xuyên biên giới, kể cả thương mại quá cảnh, của Thái Lan có khả năng tạo ra 1.360-1.400 tỷ baht (44,6-45,9 tỷ USD) trong năm 2021 so với con số 1.310 tỷ baht của năm 2020. Thái Lan dự kiến đề xuất nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại 54/77 tỉnh của Thái Lan, thay vì 35 tỉnh như hiện nay. Lô vaccine đầu tiên gồm 200.000 liều của Sinovac tới Thái Lan ngày 24/2, là một phần của đơn đặt hàng 2 triệu liều vaccine với tổng giá trị 1,2 tỉ baht (khoảng 40 triệu USD). Nếu không có sự cố ngoài ý muốn, các lô vaccine tiếp theo sẽ đến theo đúng kế hoạch và Thái Lan sẽ có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.

Năm 2020, Nam Phi đã gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á để tiếp nhận các cơ hội phát triển và thương mại đáng kể sẵn có ở khu vực này. Nước này cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác. RCEP tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 26.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu. Nam Phi sẽ thúc đẩy sự tham gia với ASEAN để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch theo hướng cùng có lợi, đồng thời hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng cho người dân Nam Phi. Nam Phi đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu thịt bò sang thị trường Malaysia kể từ tháng 11/2020, xuất khẩu trái cây sang Thái Lan. Nam Phi đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu nho tươi đến Việt Nam và Hàn Quốc, xuất khẩu bơ đến Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như xuất khẩu lê đến Trung Quốc và Ấn Độ.

Canada đã tiến hành tham vấn cộng đồng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với Indonesia. Việc xây dựng CEPA với Indonesia sẽ giúp Canada đạt được một hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, vốn đang ở giai đoạn đàm phán thăm dò. Canada là đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 1977 -  một trong 10 quốc gia có tư cách này - qua đó hai khu vực hợp tác về lợi ích kinh tế, các vấn đề chính trị và an ninh, hội nhập khu vực và đối thoại giữa các tín ngưỡng. Thương mại song phương giữa Canada và Indonesia vẫn ở mức nhỏ - chỉ đạt hơn 3,7 tỷ USD vào năm 2019 - so với nước láng giềng là Mỹ, nước có tổng thương mại song phương với Indonesia đạt 30 tỷ USD trong cùng năm.Trong khi Canada tiếp tục tham gia thiết lập CEPA với Indonesia, quốc gia này cũng đang tìm kiếm cơ hội để tìm kiếm một FTA với khối ASEAN. Canada đã có thỏa thuận thương mại tự do với một số quốc gia ASEAN (Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei) thông qua tư cách thành viên của Hiệp định Tiến bộ Toàn diện Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết vào năm 2018.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số của Singapore (DEPA) với New Zealand và Chile có hiệu lực từ ngày 7 tháng 1 năm 2021. DEPA được ký lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2020 và là thỏa thuận thương mại 'chỉ kỹ thuật số' đầu tiên trên thế giới thiết lập các quy tắc thương mại kỹ thuật số và hợp tác kinh tế kỹ thuật số. DEPA sẽ thiết lập các cách tiếp cận mới đối với các vấn đề thương mại kỹ thuật số, từ đổi mới dữ liệu đến dễ dàng luồng dữ liệu xuyên biên giới để thúc đẩy AI. Thỏa thuận kinh tế số cuối cùng sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của nhau.

Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ ba trên thế giới bởi đại dịch Covid-19 và đã bị thu hẹp GDP đáng kể do các đợt đóng cửa nhiều lần và kéo dài trên khắp đất nước. Trong bối cảnh đó, sau 10 năm kể từ khi FTA với khối Đông Nam Á có hiệu lực, Ấn Độ đã yêu cầu xem xét lại phạm vi của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), có hiệu lực vào tháng 1 năm 2010, nhằm làm cho hiệp định thương mại tự do thân thiện hơn với người dùng, đơn giản và tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã tận dụng lợi thế quá mức của FTA ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) do các quy tắc xuất xứ lỏng lẻo. Xuất khẩu của Ấn Độ sang ASEAN trong giai đoạn 2019-2020 trị giá 31,49 tỷ USD trong khi nhập khẩu từ khối này đạt 55,37 tỷ USD. Một trong những rào cản đối với thương mại gia tăng là hàng rào thuế quan của ASEAN. Khuôn khổ AIFTA hiện tại kêu gọi tăng giá trị tối thiểu 35% ở một trong các quốc gia ASEAN để đủ điều kiện hưởng FTA ở Ấn Độ.

Nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt tình trạng thiếu vỏ container rỗng do đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 cùng với đà phục hồi kinh tế không đồng đều trên toàn cầu. Sự khan hiếm diễn ra trầm trọng nhất ở châu Á. Tình trạng thiếu vỏ container đang đẩy cước vận tải biển lên gấp 300%, và đối tượng chịu tác động nặng nhất là các công ty thương mại điện tử và người tiêu dùng. Mirko Woitzik, nhà quản lý giải pháp phòng ngừa rủi ro tại công ty chuyên về chuỗi cung ứng Resilience36, cho biết giá cước vận tải biển tuyến từ châu Á sang Bắc Âu trong tháng 12/2020 đã tăng 264% so với thời điểm một năm trước. Đối với hành trình từ châu Á sang bờ Tây nước Mỹ, cước vận tải biển tăng 145% chỉ trong một năm. Thực trạng thiếu vỏ container ở châu Á cũng nhanh chóng lan sang nhiều nước châu Âu như Đức, Áo, Hungary - khi các hãng vận tải tìm cách thay đổi hành trình container sang phương Đông. Trong khi đó hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đã giảm đáng kể do virus corona và các biện pháp hạn chế đi lại.

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF (tháng 01/2021) dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN-5[1] sẽ hồi phục một cách mạnh mẽ ở mức 5,2% trong năm 2021 và 6,0% trong năm 2022, điều này có thể giúp thương mại khu vực được cải thiện trong thời gian tới. Theo khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore công bố ngày 10/2. Có tới 76,0% số người được hỏi cho rằng mối đe dọa của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe của con người hiện là thách thức cấp bách nhất của khu vực. Trong khi đó, 63% nhận định thất nghiệp và suy thoái kinh tế là những vấn đề lớn; 40,7% đánh giá khoảng cách về kinh tế - xã hội và chênh lệch thu nhập là thách thức lớn của ASEAN trong năm 2021. Khảo sát cũng đề cập cạnh tranh Mỹ - Trung đang diễn ra, theo đó 76,3% số người được hỏi đánh giá Trung Quốc vẫn là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng không thể tranh cãi trong khu vực và 72,3% quan ngại về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, tỷ lệ tin tưởng Mỹ như một đối tác chiến lược và an ninh khu vực tăng từ mức 34,9% năm 2020 lên 55,4% trong năm nay. Có 68,6% dự đoán chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden sẽ nâng cao mức độ gắn bó của Mỹ với khu vực này. Khảo sát của Viện ISEAS cũng cho thấy đa số tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, theo đó ủng hộ áp dụng nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề này.

Bản tin chi tiết xem tại đây!

 


[1] ASEAN-5 gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia

 



Báo cáo phân tích thị trường