Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa cho biết, xuất khẩu rau quả tháng 2/2021 ước đạt 300 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2021 đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 2/2021 ước đạt 110 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 259 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020…
Ở trong nước, mặc dù thời điểm tháng 2 rơi vào dịp Tết Nguyên đán nhưng thị trường rau quả ít biến động so với các thời điểm trùng dịp tết trước đây. Giá một số loại rau quả tăng/giảm nhẹ so với tháng trước đó, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung dồi dào, nhưng tiêu thụ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trong nước.
Thị trường chanh thế giới năm 2020/21 dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động bởi dịch Covid-19. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ và xuất khẩu chanh thế giới niên vụ 2020/21 sẽ tăng do nhu cầu mạnh. Trong khi đó, sản lượng chanh toàn cầu năm 2020/21 được USDA dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 8,3 triệu tấn do sản lượng ở Argentina và Mỹ giảm, mặc dù sản lượng của Liên minh Châu Âu và Mexico tăng...
Đối với mặt hàng rau, giá rau tại các tỉnh thành trên cả nước giảm mạnh so với tháng 1/2021 do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm tiêu thụ khó khăn hơn.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho rằng, với tín hiệu khả quan từ đầu năm 2021, kỳ vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc, bất chấp đại dịch.
Đầu năm 2021, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như: Ai Cập, Kuwait, Ukraina, Xênêgan... Đây kỳ vọng sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm hàng rau quả đã qua chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị xuất khẩu. Dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng rau quả. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chống dịch hiệu quả, Việt Nam nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp nhằm khơi thông hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản.
Về phía thị trường xuất khẩu, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trái cây từ Việt Nam nhằm phục vụ cho lễ hội mùa xuân đang đến gần là tín hiệu khả quan đối với ngành hàng rau quả của nước ta. Tại cửa khẩu Bằng Tường - cảng thương mại trái cây trên đất liền lớn nhất của Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trái cây như thanh long, mít, dưa hấu, xoài và nhiều loại trái cây khác của Việt Nam diễn ra khá sôi động. Sau khi được khử trùng nghiêm ngặt và thực hiện các biện pháp khác về phòng chống dịch Covid-19, các xe chở trái cây được đưa vào khu giám sát hải quan để kiểm tra. Trái cây sẽ được chuyển từ chợ trái cây Bằng Tường đến Quảng Châu và Chiết Giang, sau đó được chuyển đi khắp đất nước. Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam được đưa vào các trung tâm mua sắm của Trung Quốc càng nhanh càng tốt để sớm đến tay người tiêu dùng.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA) hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Khi hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế với rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Theo đó, nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brasil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có hiệp định thương mại với Anh quốc./.