Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản, thực phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc
20 | 09 | 2021
Mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã và đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ chất lượng và khả năng cung ứng ngày càng được cải thiện.

Nguồn: Bnews.vn

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Đông) 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 16/9, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết nông sản, thực phẩm Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã và đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ chất lượng và khả năng cung ứng ngày càng được cải thiện. Do nhu cầu lớn nên vẫn còn nhiều dư địa cho những mặt hàng này mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói chung và thị trường tỉnh Quảng Đông nói riêng.
Thế nhưng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nghiên cứu phương thức kinh doanh của đối tác, thói quen tiêu dùng và lưu ý các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói… để gia tăng cơ hội khai thác thị trường tiềm năng này.

Về thị trường tỉnh Quảng Đông, ông Nguyễn Duy Phú, Lãnh sự Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu nhấn mạnh: Quảng Đông có quy mô dân số khoảng 120 triệu người, năm 2020 GDP đạt khoảng 1.600 tỷ USD, xuất nhập khẩu đạt khoảng 1.100 tỷ USD. Từ con số này có thể thấy, tiềm năng của thị trường này với hàng hoá của Việt Nam là rất lớn.
Hơn nữa, Quảng Đông là nơi mở cửa sớm nhất trong toàn Trung Quốc, thông qua Đặc khu kinh tế Thâm Quyến để kết nối với bên ngoài qua thị trường Hong Kong (Trung Quốc).
Sau mấy chục năm phát triển, Quảng Đông đang được giao thí điểm thực hiện chiến lược lớn như nâng cấp Thâm Quyến trở thành đặc khu có chính sách cởi mở hơn.

Ông Nguyễn Duy Phú cũng đưa ra con số thống kê, năm 2020 thương mại hai chiều Việt Nam - Quảng Đông đạt 41 tỷ USD, chiếm từ 20-21% trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 21 tỷ USD, nhập khẩu 19 tỷ USD.
Đặc biệt, trong nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Quảng Đông, linh kiện điện tử và điện thoại di động chiếm giá trị lớn nhất với 10,5 tỷ USD, thuỷ sản 300 triệu USD, trái cây chủ yếu là thanh long 183 triệu USD, gạo 160 triệu USD.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Quảng Đông 450.000 USD, trà 30.000 USD; tiêu, ớt 1,4 triệu USD, thực phẩm chế biến 60 triệu USD.
“Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Quảng Đông đã tiến bộ so với thời gian trước. Bên cạnh vai trò quan trọng của mặt hàng nông, thuỷ sản, mặt hàng máy móc thiết bị điện cơ, điện tử với sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI đã góp phần gia tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến”, ông Nguyễn Duy Phú cho hay.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường tỉnh Quảng Đông, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cho biết: Có những đối tác lớn tại Quảng Đông kinh doanh nông sản nhưng không nhập khẩu trực tiếp mà qua uỷ thác. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần phải tìm đối tác làm uỷ thác thương mại. Đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất khẩu qua đường biên giới mà không qua cảng biển.
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông, thuỷ sản. Tuy nhiên, sự nỗ lực này là chưa đủ, còn cần có sự tham gia của hiệp hội ngành hàng và không chỉ xúc tiến thương mại trong nước mà còn cần hoạt động vượt ra ngoài biên giới.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp Trung Quốc chủ động đến cửa khẩu biên giới, thành lập hiệp hội, đi vào vùng sản xuất của Việt Nam để mua hàng hoá. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam là bên bán lại chưa đạt được các đại diện, chưa tiến sâu được vào những trung tâm giao dịch lớn của Trung Quốc để xúc tiến.
Bởi vậy, ông Nguyễn Duy Phú cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư hoạt động xúc tiến thương mại sâu hơn nữa ngay tại thị trường Trung Quốc chứ không chỉ qua biên giới như hiện nay. Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm vào Trung Quốc nhưng hoạt động quảng bá thương hiệu còn hạn chế và muốn xuất khẩu bền vững cần tháo gỡ vấn đề này. Vì thế, doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc hoàn thành giao hàng mà cần quan tâm đến sản phẩm được sử dụng ra sao, có dán mác hàng Việt Nam không.
Ngoài ra tại Trung Quốc, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, các cơ quan xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần khai thác thêm yếu tố này trong quảng bá và thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang thị trường Quảng Đông.

Do đó, việc tham gia các hội chợ lớn, hội chợ chuyên ngành tại Trung Quốc cũng là một kênh tìm kiếm đối tác và xúc tiến thương mại tốt cho doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam./.



Báo cáo phân tích thị trường