Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2022
25 | 10 | 2021

(daklak.gov.vn)_ Sáng  22/10, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022.

Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc trực tiếp liên kết với nông dân sản xuất cà phê đặc sản. Sản phẩm dự thi là cà phê nhân Robusta hoặc Arabica. Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 15/02 – 25/03/2022.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022

Hồ sơ đăng ký dự thi gồm Bản đăng ký dự thi (theo mẫu) và thuyết minh sản phẩm dự thi (theo mẫu).

Các đơn vị lấy mẫu và niêm phong lô hàng, gửi về ban tổ chức  từ ngày 20/03 – 05/4/2022; đánh giá lỗi vật lý: từ ngày 14 – 16/4/2022; Đánh giá chất lượng thử nếm: từ ngày 22 – 27/4/2022; Công bố kết quả, trao giải: ngày 30/4/2022.

Năm nay do dịch bệnh Covid-19, các đơn vị dự thi tự lấy mẫu và niêm phong lô hàng, Không tổ chức thử nếm tập trung. Các phiên thử nếm được diễn ra đồng thời ở nhiều địa điểm và phát trực tuyến; được giám sát thường xuyên của BTC, Ban kỹ thuật và Ban giám sát, đơn vị dự thi cũng như các cá nhân/đơn vị quan tâm.

Ban giám khảo chấm điểm cho các mẫu cà phê lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2021 (Ảnh minh họa)

Địa điểm thử nếm gồm 3 địa điểm, trong đó 2 địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh và 1 địa điểm tại Hà Nội. Yêu cầu là đơn vị đào tạo/thử nếm được SCA ủy quyền; Có ít nhất 3 Q-Grader cho mỗi loài (Arabica/Robusta); Bố trí nhân sự rang mẫu dự thi theo Profile rang chuẩn do Ban kỹ thuật xây dựng; Đánh giá chất lượng thử nếm được thực hiện cùng lúc tại 3 địa diểm, được kết nối và truyền trực tuyến. Cuộc thi chỉ diễn ra một vòng chấm điểm thử nếm. Số lượng giám khảo nhiều hơn.

Điểm mới của Cuộc thi cà phê đặc sản năm 2022 có sự tham gia của Ban kỹ thuật xây dựng Profile rang chuẩn theo từng tổ hợp phương pháp chế biến – dung trọng hạt; Chuẩn hóa cấp độ điểm trực tuyến (calibration online) với tất cả các giám khảo; Giám sát trực tuyến quá trình đánh giá thử nếm của giám khảo ở các địa điểm thử nếm; Đảm bảo các quy trình, thủ tục liên quan đến kỹ thuật của cuộc thi được tuân thủ.

Ban giám sát gồm đại diện đơn vị dự thi của từng tỉnh, đại diện nhà rang xay, đại diện nhà thương mại và đại diện đơn vị đồng hành/tài trợ; Trưởng Ban giám sát lưu giữ danh sách mã số mẫu dự thi đã được niêm phong;

Đây là năm thứ tư liên tiếp Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, với mục tiêu là giới thiệu sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam đến nhà rang xay trong và ngoài nước; kết nối nhà sản xuất cà phê nhân đặc sản với các nhà rang xay; nâng cao chất lượng và tạo giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam.

Kim Bảo



Báo cáo phân tích thị trường