Thỏa thuận này đã đạt được trong Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản) hôm 5/5 vừa qua với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vào thời điểm gần 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực năm 1997.
Dự trữ tài chính nói trên sẽ được trích từ lượng dự trữ ngoại hối hiện ở mức khoảng 3.100 tỷ USD của các nước châu Á, chiếm 65% dự trữ ngoại hối toàn cầu, và cho phép các nước thành viên được sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Chalongphob Sussangkarn, các chi tiết của kế hoạch nói trên vẫn đang được thảo luận và cần vài năm nữa để đạt được các thỏa thuận cụ thể về việc sắp xếp dự trữ tài chính này.
Thỏa thuận này sẽ mở rộng một hệ thống an toàn hiện có cung cấp nguồn vốn khẩn cấp trong trường hợp cần thiết thông qua hoạt động hoán đổi tiền tệ song phương theo Sáng kiến Chiangmai. Bằng cách thành lập một dự trữ đa phương, thỏa thuận này sẽ cho phép các nước thành viên có được một nguồn quỹ phòng vệ lớn hơn để tránh sự lặp lại của cuộc khủng khoảng tài chính 1997 và khả năng tự giải quyết khủng hoảng trước khi nhờ đến sự giúp đỡ bên ngoài, chẳng hạn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Ông Chalongphob Sussangkarn nói: “Các yếu tố rủi ro mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay không hề giảm so với 10 năm trước đây. Thậm chí tính dễ bị tổn thương của các dòng vốn và cả độ lớn của các dòng vốn hiện nay cũng lớn hơn.”
Ông nói thêm: “Đó là lý do tại sao mà chúng ta cần một cơ chế khu vực để giải quyết vấn đề này.”
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đã có tác động tới tất cả các quốc gia châu Á và đặt sự thần kỳ của kinh tế châu lục này, vốn được đặt trên một nền móng không vững chắc, trước hàng loạt rủi ro.
Trước cuộc tấn công của giới đầu cơ, những “con hổ châu Á” như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã phải chứng kiến sự sụp đổ của đồng tiền các nước này. Tại Hàn Quốc, nợ xấu của các công ty lớn đã khiến thị trường chứng khoán đổ vỡ.