Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đài Loan tăng nhập khẩu chè từ thị trường Việt Nam
06 | 07 | 2022
Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho thị trường Đài Loan. Thị phần chè của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan tăng.

Theo congthuong.vn

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Đài Loan cho biết, nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11,5 nghìn tấn, trị giá 33,8 triệu USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè nhập khẩu bình quân vào thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2.939,4 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.

1920-xuat-khau-che
Thị phần chè của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan tăng

Chè đen là chủng loại chính thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 8,4 nghìn tấn, trị giá 21,8 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè đen nhập khẩu bình quân đạt 2.603,4 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam cung cấp 44,3% tổng lượng chè đen nhập khẩu vào thị trường Đài Loan, tiếp theo là thị trường Sri Lanka, Ấn Độ, Indonesia…

Với chủng loại chè xanh, thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 3,2 nghìn tấn, trị giá 12,1 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xanh nhập khẩu bình quân đạt 3.826,7 USD/tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho thị trường Đài Loan, với lượng chiếm 71,9% tổng lượng chè xanh nhập khẩu, tiếp theo là thị trường Nhật Bản chiếm 24,3%, Indonesia chiếm 2,8%...

Theo các chuyên gia, mặc dù, Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho thị trường Đài Loan, với lượng chiếm tỷ trọng lớn, nhưng trị giá lại khá thấp. Nguyên nhân do chủng loại chè của Việt Nam chủ yếu là chè xuất thô trong chế biến thực phẩm sử dụng các nguyên liệu trà như trà sữa, bột matcha, nên trị giá không cao.

Theo khảo sát người tiêu dùng Đài Loan, khi mua chè họ quan tâm đến bao bì, thông tin sản xuất, quy trình sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt, người tiêu dùng rất chú ý đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 75% sẽ mua chè nếu có nhà sản xuất, bán hàng rõ ràng....

Năm 2015, Đài Loan sửa Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó nâng tiêu chuẩn về chè. Các sản phẩm chè vào Đài Loan đều phải qua kiểm nghiệm đảm bảo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nếu không đảm bảo, không đạt sẽ không thể vào được Đài Loan. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này.

Tại thị trường Đài Loan, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng chè của Việt Nam tại thị trường này là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15%), Ấn Độ (tỷ trọng chiếm 10%), Indonesia (tỷ trọng chiếm 6%), Trung Quốc (tỷ trọng chỉ chiếm 1,5%).

Chè Việt Nam nhập vào Đài Loan thường được đóng bao lớn, loại trên 3kg/bao. Trong khi đó, chè từ nhiều nước khác như Nhật Bản, Sri Lanka… nhập vào Đài Loan chủ yếu được đóng túi nhỏ, đóng hộp, bày bán tại các cửa hàng chuyên bán chè.

Giá chè bình quân nhập khẩu từ Việt Nam ở mức thấp đạt 1.661,9 USD/tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Để nâng cao giá trị gia tăng cho các chủng loại chè, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm chè. Chất lượng chè phải đáp ứng tiêu chuẩn của Đài Loan, nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt, cơ hội cho chè Việt Nam tại thị trường Đài Loan là rất lớn.



Theo conthuong.vn
Báo cáo phân tích thị trường