Câu chuyện 20 năm trước
Hơn 20 năm trước, vào dịp lễ 30.4.1985, lúc đến thăm trạm sản xuất nơi tôi phụ trách, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đem cho tôi một món quà đặc biệt: Lon hạt điều rang muối sản xuất ở Mozambique. Nghe tôi báo cáo đã hoàn thành bước đầu công nghệ chế biến hạt điều với toàn bộ máy móc thiết bị do anh em chúng tôi tự chế tạo, ông Phạm Hùng nói: "Từ nay chúng ta phải chế biến hết sản lượng hạt điều thô của nông dân sản xuất ra, con đường duy nhất để phát triển đất nước là phải tinh chế sản phẩm nông nghiệp thay vì xuất thô như hiện nay. Vừa qua tôi có sang thăm Mozambique, một nước nghèo nàn lạc hậu ở Đông Phi, họ có sản lượng điều khá lớn, họ sản xuất và bán hạt điều rang muối rất ngon, Việt Nam ta cũng sẽ phải làm vậy chứ không nên mãi mãi xuất thô".
Cũng vì chuyện này, vào năm 1997 khi Việt Nam thiếu nguyên liệu cho chế biến (sản lượng hạt điều thô của ta chỉ có khoảng 100.000 tấn trong khi nhu cầu lên tới 150.000 tấn), Nhà nước cho phép nhập khẩu hạt điều thô về chế biến để xuất khẩu, tôi đã tình nguyện đi khảo sát thị trường hạt điều ở châu Phi và đích đến là Mozambique (họ nói tiếng Bồ Đào Nha) mà lẽ ra, nếu đến Ivycoat (nói tiếng Pháp) hoặc Nigeria, Tanzania (nói tiếng Anh)... sẽ thuận tiện hơn nhiều.
Mười năm trước khi công bố Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu hạt điều chỉ sau Ấn Độ, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên về sự kiện này và nghi ngờ tính xác thực của nó, tôi còn nhớ đã phải trưng ra các tài liệu chứng minh với các nhà báo. Sau đó cóá sự kiện một số người tự nhận là "nhà khoa học" định xuất khẩu công nghệ chế biến điều của Việt Nam cho một số nước ở châu Phi (cũng lại là Mozambique). Việc này đã khiến dư luận phẫn nộ, hàng chục bài báo trên cả nước đã lên tiếng phản đối việc làm vô lý này, cuối cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ra quyết định không cho xuất khẩu công nghệ này.
Bước nhảy vọt và những điều băn khoăn
Thông tin từ hội nghị về tiêu chuẩn chất lượng hạt điều tổ chức từ ngày 26 - 29.4.2007 vừa qua ở Florida (Mỹ) cho biết sản lượng điều xuất khẩu của Việt Nam là 130.000 tấn nhân điều, của Ấn Độ là 118.000 tấn. Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều đồng thời cũng được đánh giá là có chất lượng hạt điều tốt nhất.
Được xếp hạng đầu trong xuất khẩu nhân điều song những nhà sản xuất, chế biến điều Việt Nam không khỏi băn khoăn: 2 năm liên tiếp các nhà chế biến điều Việt Nam bị thua lỗ (năm 2005 lỗ khoảng 1.000 tỉ đồng, năm 2006 tiếp tục lỗ khoảng 300 tỉ đồng và năm nay dự đoán chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút ít). Bỏ qua các rủi ro trong xuất khẩu hàng nông sản vì giá cả thị trường lên xuống không thể lường trước được thì những nguyên nhân chủ quan khác luôn lặp lại hàng năm.
Một là các nhà cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luôn gian lận bằng cách ngâm nước, trộn tạp chất dẫn đến giá thành cao, chất lượng kém, hậu quả tất yếu là giá bán thấp.
Hai là các ngân hàng cho vay ồ ạt chỉ trong vài tháng khi vào vụ (các nhà máy cũng tranh thủ bằng mọi cách có thật nhiều vốn và thật sớm) dẫn đến tiền đổ vào các nhà máy tập trung vào một thời điểm cực ngắn (chỉ trong 2 tháng), kết quả là cuộc tranh mua quyết liệt đẩy giá nguyên liệu lên cao hơn giá trị thực (giá có thể sản xuất có lãi).
Ba là liên tục mấy năm nay chi phí cho chế biến tăng cao, đặc biệt là giá nhân công. Trước kia chế biến điều là ngành thâm dụng nhân công. Hiện nhân công trực tiếp trong ngành là trên 300.000 lao động, để có đủ nhân công cho chế biến, chi phí này đã tăng thêm hơn 10% so với trước kia và tiếp tục phải tăng để thu hút lao động (dù vậy hiện nay nhiều nhà máy chỉ có thể hoạt động 50 - 60% công suất vì không đủ lao động).
Nếu những năm tới, nguồn cung lao động khó khăn thêm thì chỉ có 2 cách: hoặc tăng lương cho chế biến (giá thành cao) hoặc phải thay đổi công nghệ sao cho ít sử dụng lao động hơn. Điều này rất khó vì hiệp hội hô hào, giao nhiệm vụ cho trưởng ban công nghệ - vốn là người trước kia dự định bán công nghệ cho châu Phi - nhưng một năm đã trôi qua mà không hề có động thái gì. Đến lúc nào đó, ngành điều Việt Nam không còn có thể giữ được vị trí hàng đầu do thiếu lao động, lại xin Nhà nước cho xuất thô. Ngành điều đang cần bàn tay cứu rỗi của cấp vĩ mô nếu không muốn nó lụi tàn.