Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển
01 | 03 | 2024
Việt Nam chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn.

Nguồn: stockbiz.vn

Việt Nam chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn.

Dẫn số liệu báo cáo của IMARC, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, quy mô thị trường tiêu thụ sữa toàn cầu đạt 893 tỷ USD vào năm 2022, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Quy mô thị trường tiêu thụ sữa toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2023 – 2028 với tốc độ CAGR là 5,6% và đạt 1.243 tỷ USD vào năm 2028.

Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những thị trường tiêu thụ sữa lớn và tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Trong những năm gần đây, tiêu thụ sữa của vùng tăng trưởng rất nhanh và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tới. Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) là những thị trường tiêu thụ chính của vùng này. Mức tăng trưởng kép CAGR của vùng giai đoạn 2023 – 2028 khoảng 3,12%.

Theo TPS, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quy mô thị trường sữa của vùng trong thời gian tới gồm: Sự tăng lên của dân số toàn cầu, đặc biệt ở nền kinh tế mới nổi; Sự tăng nhanh về đô thị hoá; Mối quan tâm ngày càng tăng về sức khoẻ và dinh dưỡng của người tiêu dùng.

Trong khi đó, theo dự báo của FAO, sản lượng sữa toàn cầu sẽ đạt 1,039 triệu tấn vào năm 2032, tương ứng với mức tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2024 – 2032 là 1,5%, cao hơn so với các hàng hoá nông nghiệp khác. Trong đó, các quốc gia đang phát triển đóng góp gần 60% sản lượng toàn cầu, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2024 -2032 là 2,2%. Sản lượng tăng lên trong thời gian tới phần lớn được đóng góp phần lớn bởi sự tăng năng suất hơn là sự tăng trưởng về đàn gia súc.

 

 

Ấn Độ sẽ là nhà sản xuất sữa lớn nhất và được dự báo sẽ có mức tăng trưởng sản lượng cao, đóng góp 23,9% sản lượng sữa thế giới năm 2032. Sản lượng ở châu Âu được dự báo sẽ giảm do số lượng đàn ít hơn và tăng trưởng năng suất thấp hơn. Hoa Kỳ và Canada được dự báo không có sự thay đổi nhiều và tăng trưởng sản lượng đến từ tăng năng suất. Do cầu trong nước của Hoa Kỳ chủ yếu là sữa béo, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu SMP (sữa tách béo).

Sản lượng sữa năm 2024 dự báo khoảng 925 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, các nước đang phát triển chiếm 55%, tăng 2,3% so với cùng kỳ và các nước phát triển chiếm 45%, tăng 0,7%yoy. Sự tăng lên sản lượng là nhờ năng suất tăng lên ở các vùng Ấn Độ, Nam Mỹ và tăng đàn gia súc ở châu Phi.

“Nhìn chung, khoảng 30% sữa toàn cầu sẽ được chế biến thành các sản phẩm bơ, SMP (sữa tách béo, WMP (sữa nguyên kem, hoặc bột Whey. Phần lớn SMP và WMP được sản xuất để xuất khẩu phục vụ cho lĩnh vực chế biến thực phẩm như chế biến mứt kẹo, sữa bột cho trẻ sơ sinh và các sản phẩm bánh. Phần lớn sữa ở các quốc gia thu nhập cao được chuyển thành sản phẩm sữa chế biến, ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được chuyển thành sữa tươi”, TPS đánh giá.

 

 

Đối với ngành sữa trong nước, TPS cho rằng, Việt Nam chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn, nhưng ngành sữa trong nước đang chịu cạnh tranh lớn từ sữa nhập khẩu.

Theo số liệu Euromonitor, quy mô thị trường sữa Việt Nam năm 2022 ước tính 135.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, phần còn lại đến từ sữa nhập khẩu.

Sản lượng sữa sản xuất trong nước năm 2022 đạt khoảng 1,8 tỷ lít sữa tươi và 144 triệu tấn sữa bột. Kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam năm 2022 đạt 1,253 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu từ Newzealand chiếm 28% và Mỹ chiếm 18%. Phần lớn sữa bột nhập khẩu vào Việt nam được chế biến thành sữa pha lại.

Về phân khúc sản phẩm, sữa bột và sữa nước chiếm gần 3/4 quy mô thị trường sữa của Việt Nam. Sữa chua và sữa uống đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng trưởng hàng năm lần lượt là 12% và 10% so với sữa bột 4%.

 

 

Bên cạnh đó, tiêu dùng sữa trên đầu người của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp, khoảng 27 lít/người/năm so với 35 lít/người/năm tại Thái Lan và 45 lít/người/năm tại Singapore vào năm 2021. Theo dự báo của Research and Markets, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người tại Việt Nam sẽ đạt 40 lít/người/năm vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hàng năm. Điều này cho thấy, dư địa thị trường sữa Việt nam vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, phần lớn nguyên liệu cho ngành sữa của Việt Nam vẫn được nhập khẩu là chủ yếu do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn trong nước rất ít. Hiện nay, Việt nam có trên 200 nhà sữa sản xuất sữa, nhưng phần lớn sữa được sản xuất từ các tập đoàn lớn như Vinamilk (chiếm 40% thị phần sữa 2022), Friesland Camina Việt nam (chiếm 18%), TH Food (11%), Vinasoy (7%) và Nestle Việt Nam (7%).



Báo cáo phân tích thị trường