Nguồn: congthuong.vn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024 cả nước xuất khẩu trên 1,29 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 530,66 triệu USD, giá trung bình 410,3 USD/tấn, tăng 8,5% về khối lượng, tăng 8% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 9/2024 xuất khẩu 127.651 tấn phân bón các loại đạt 51,84 triệu USD, giá 406 USD/tấn, giảm 3,1% về khối lượng, giảm11,4% kim ngạch và giảm 8,6% về giá so với tháng 8/2024; so với tháng 9/2023 thì tăng 39% về lượng, tăng 25,4% kim ngạch nhưng giảm 9,8% về giá.
9 tháng năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón, tương đương gần 530,66 triệu USD. Ảnh: Đạm Cà Mau
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 32,4% trong tổng khối lượng và chiếm 32,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 418.893 tấn, tương đương 174,2 triệu USD, giá trung bình 415,9 USD/tấn, giảm 4,5% về lượng, giảm 5,8% kim ngạch và giá giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 9/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 50.500 tấn, tương đương 21,07 triệu USD, giá trung bình 417,3 USD/tấn, tăng 0,9% về lượng, tăng 1,4% kim ngạch, giá tăng 0,5% so với tháng 8/2024.
Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 146.063 tấn, tương đương gần 59,96 triệu USD, giá trung bình 410,5 USD/tấn, tăng 189% về lượng, tăng 218,3% kim ngạch và tăng 10% về giá, chiếm trên 11% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 92.055 tấn, tương đương 35,06 triệu USD, giá trung bình 380,9 USD/tấn, tăng 24,2% về lượng, tăng 41,9% kim ngạch và giá tăng 14,3%, chiếm 7,1% trong tổng khối lượng và chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch.
Thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng bất lợi từ giá thành sản xuất phân bón. Hiện tại, giá thành sản xuất nhiều loại phân bón của Việt Nam so với một số nước trên thế giới vẫn khá cao, chi phí giá thành ở một số nước thấp do họ có lợi thế về tài nguyên và chi phí đầu tư ít hơn.
Ở chiều ngược lại, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024 cả nước nhập khẩu 378.158 tấn phân bón, tương đương 140,35 triệu USD, giá trung bình 371 USD/tấn, giảm 15,8% về lượng, giảm 10,9% kim ngạch nhưng tăng 5,8% về giá so với tháng 8/2024. So với tháng 9/2023 giảm 19,8% về lượng, giảm 10% kim ngạch nhưng tăng 12,1% về giá,
Tính chung trong 9 tháng năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,85 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, giá trung bình đạt 332,2 USD/tấn, tăng 32,3% về khối lượng, tăng 29,7% về kim ngach nhưng giảm 2% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 42% trong tổng lượng và chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt gần 1,62 triệu tấn, tương đương 519,38 triệu USD, giá trung bình 321,2 USD/tấn, tăng 13% về lượng, tăng16,5% kim ngạch và tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm 2023,
Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch, với 447.138 tấn, tương đương 191,92 triệu USD, giá trung bình 429,2 USD/tấn, tăng 130,2% về lượng, tăng 109% về kim ngạch nhưng giảm 9,1% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Lào đạt 263.596 tấn, tương đương 68,27 triệu USD, tăng 18,4% về lượng, nhưng giảm 9,8% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, chiếm trên 6,9% trong tổng lượng và chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước,
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh ngành phân bón, SSI Research nhận định nhu cầu phân bón trên toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino trong năm 2023; qua đó, thúc đẩy mặt bằng giá phân bón tăng trở lại.
Đồng quan điểm với SSI Reseach, Công ty Chứng khoán Rồng Việt mới đây cũng dự báo nhu cầu ure từ các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại khi vụ Đông Xuân (lúa mì, ngô) bắt đầu, đây cũng là vụ mùa lớn nhất của năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón.
Ngoài ra, đối với thị trường nội địa, mức độ cạnh tranh từ các sản phẩm nước ngoài còn tiềm ẩn rất nhiều nên trong ngắn hạn, giá ure trong nước có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ trong đầu quý 4 theo biến động của giá phân bón thế giới nhưng dự kiến sẽ tăng trở lại vào cuối quý khi vụ Đông Xuân bắt đầu.