Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để ngành Điều giữ vững ngôi vị quán quân: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
03 | 10 | 2007
Sau 15 năm "trầy trật" trên thương trường, năm 2006, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lần đầu tiên đã làm rạng danh đất nước khi vượt ấn Độ, giành ngôi vị đứng đầu thế giới về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế này, ngành điều còn rất nhiều việc phải làm...

Bội thu sản lượng

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Chất lượng nhân điều Việt Nam được ca ngợi là số 1, thơm ngon hơn hẳn nhân điều của ấn Độ, Braxin hay Tanzania... Lần đầu tiên, các nhà xuất khẩu điều nhân dẫn đầu thế giới, bất chấp trong 2 năm qua, ngành điều gặp nhiều khó khăn, trở ngại”. Tiếp tục những thành tích vang dội này, năm 2007 cũng được dự báo, ngành điều bội thu về sản lượng với khoảng 350.000 tấn. Cộng thêm 50.000 tấn nhập khẩu từ Campuchia, tổng sản lượng điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu sẽ là hơn 400.000 tấn. Theo ông Phạm Văn Công - Phó chủ tịch Vinacas: “Năm 2007 sẽ không còn tình trạng căng thẳng vì thiếu nguyên liệu như những vụ trước. Bởi qua khảo sát gần đây của Vinacas, hầu hết vườn điều tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận... đều cho trái nhiều và chất lượng tốt. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm chỉ còn 4.000USD/tấn FOB, chi phí chế biến và lãi vay ngân hàng tiếp tục tăng cao sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp". Năm 2006, ngành điều xuất khẩu được 126.808 tấn, đạt kim ngạch 503, 7 triệu USD, tăng 16,56% so với năm 2005, nhưng chỉ tăng 0,45% về giá trị. Điều này cho thấy ngành này dù có bội thu về sản lượng, nhưng việc nâng cao giá trị gia tăng cho điều vẫn còn là bài toán khó.

Không còn cạnh tranh về giá

Hiện nay, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất là chất lượng an toàn - vệ sinh cho hạt điều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ngôi vị “quán quân” của ngành chưa thể chắc chắn. ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch Vinacas nói: “Trước vụ, giá thu mua điều trong khoảng 10.000 - 12.000 đồng /kg. Vào vụ, giá chỉ còn 9.500 đồng /kg. Giá này là phù hợp, nếu các doanh nghiệp bon chen phá giá, tự nâng cao là... tự sát”. Song, ông Học cũng lưu ý, sau khi gia nhập WTO, xuất khẩu điều sẽ không còn cạnh tranh về giá, mà phải cạnh tranh về an toàn - vệ sinh thực phẩm. Làm sao để xoá bỏ hoàn toàn các tạp chất trộn lẫn trong hạt điều, vì khách hàng quốc tế hết sức quan tâm đến vấn đề này. ông Hồ Văn Hữu, Chủ tịch Hiệp hội Điều tỉnh Bình Phước cho biết: “Trước đây, ở Bình Phước có những người bán hạt điều gian dối bằng cách ngâm nước, hoặc trộn hạt điều với keo, rồi đổ ra đất... Sau đó đóng bao cân, trọng lượng tăng 20 - 30%. Do vậy, gần đây, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ trương chống hành vi gian dối trên vì nó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của điều Việt Nam”. Bà Phan Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ (Bình Phước) kêu gọi: “Chúng ta phải tẩy chay việc mua hạt điều lẫn tạp chất, hạt điều ngâm nước. Bằng không, các doanh nghiệp cứ vì lợi ích riêng, “tham bát bỏ mâm”, cứ mua, cứ phá giá..., khác nào góp phần làm suy yếu ngành điều”. ông Thanh cảnh báo: “Chỉ cần phát hiện một sợi tóc, hay đá, sạn, tạp chất trong điều nhân, bạn hàng sẽ trả lại toàn bộ hàng hoá và phạt nặng doanh nghiệp xuất khẩu”.

Làm sao giữ vững ngôi vị?

Ông Thanh cho biết: “Tiềm năng ai cũng thấy rõ, song, bằng cách nào để thành quả đạt được mang tính bền vững? Làm sao để Việt Nam vẫn là cường quốc xuất khẩu điều hàng đầu thế giới? Đây vẫn là câu hỏi khó”. Thật vậy, mặc dù đứng đầu thế giới, nhưng bản thân ngành điều vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức. ấn Độ dù đã xuống vị trí thứ hai, nhưng họ lại có một thị trường nội địa hết sức chắc chắn, bền vững. Còn nước ta, lâu nay các doanh nghiệp chỉ chú tâm phát triển xuất khẩu mà thiếu đầu tư cho thị trường nội địa. Ngoài vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rất yếu, hiện ngành điều còn đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Theo thống kê, tổng số lao động ngành điều là trên 300.000 người. Nhưng tại các doanh nghiệp, số lao động mới đáp ứng được 60% công suất hoạt động của nhà máy. Nguyên nhân chính gây ra thiếu lao động, nói cho cùng, là do thu nhập thấp (khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng /người /tháng).

Như vậy, có thể thấy, việc giữ vững ngôi vị quán quân phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân ngành điều, trong đó vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặc biệt chú ý. Để làm được điều này, doanh nghiệp và người sản xuất phải liên kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi và vì mục tiêu chung. Điều Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thế giới nhưng việc giữ và phát triển tên tuổi sẽ còn khó khăn hơn chặng đường 15 năm vất vả. Chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên lối làm việc “mạnh ai nấy đi” thì những thành quả vừa gây dựng được có thể tan thành mây khói.



(kinhtenongthon.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường