Đây được xem là dịch vụ quan trọng mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam nhưng cũng là loại hình dịch vụ còn khá mới mẻ đối với cả ngân hàng và các doanh nghiệp trong nước.
Hợp đồng tương lai là một cam kết pháp lý về việc mua hoặc bán một lượng nhất định một loại tài sản nào đó tại một ngày xác định trong tương lai với mức giá thỏa thuận trước. Về mặt nguyên tắc, tất cả các mặt hàng hóa cơ bản đều có thể tham gia vào thị trường.
Công cụ bảo hiểm đảm bảo phát triển bền vững
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc BIDV, sự biến động bất thường của giá các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới trong những năm qua đã đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên nói riêng, một yêu cầu cần thiết có những công cụ bảo hiểm trong kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài.
Từ thực tế này, BIDV đã quyết định bắt tay với một đối tác là Cty Natexis Commodity Markets (trụ sở tại Singapore) để cung cấp dịch vụ này tới các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cà phê của Việt Nam, trước mắt là các doanh nghiệp tập trung tại tỉnh Đắc Lắc-nơi được xem là thủ phủ cà phê của cả nước.
Mục đích của BIDV khi triển khai dịch vụ này là nhằm góp phần ổn dịnh giá hàng hóa trên thị trường trong nước, hỗ trợ các nghiệp vụ cho vay, tài trợ xuất nhập khẩu, đa dạng hóa sản phẩm ngân hàng và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
Với dịch vụ này, các khách hàng cũng sẽ được hưởng những lợi ích như được cung cấp dịch vụ trọn gói đối với cả giai đoạn kinh doanh, từ tài trợ thu mua, thanh toán trong nước, tài trợ hàng xuất, thanh toán quốc tế đến bảo hiểm rủi ro biến động giá.
Bên cạnh đó, các khách hàng cũng được phục vụ trên một quy trình giao dịch chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế, bảo mật cao đối với các thông tin giao dịch, được cập nhật liên tục theo yêu cầu về giá cả thị trường và những thông tin mới nhất ngay trong phiên giao dịch trên thị trường London (thông qua điện thoại, Internet...).
Ngoài ra, doanh nghiệp được cung cấp miễn phí các bản tin phân tích thị trường hàng ngày và được tư vấn về các phương án kinh doanh, biến động thị trường và giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả nhất đồng thời được cung cấp các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về thị trường và các kỹ thuật giao dịch.
Từ tháng 7/2006, BIDV đã bắt đầu thí điểm triển khai dịch vụ tới khách hàng. Sau 2 tháng thí điểm, ngân hàng đã đặt lệnh thành công trên 23.000 lot cà phê (tương đương hơn 115.000 tấn cà phê) cho các khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, giúp các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chiến lược bảo hiểm rủi ro biến động của giá cà phê phù hợp với mức chấp nhận rủi ro của mỗi doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng trong tương lai.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó ban Nguồn vốn của BIDV nhận xét: với hình thức kinh doanh truyền thống trước đây, khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá thường không chốt giá vào thời điểm ký hợp đồng mà giá được xác định vào thời điểm giao hàng, thường là sau thời điểm ký hợp đồng vài tháng.
Chính vì vậy, trong trường hợp giá hàng hoá sụt giảm trong tương lai rất dễ khiến doanh nghiệp thua lỗ do giá thu mua cà phê cao hơn giá xuất khẩu. Việc giá cả biến động tăng giảm trên thị trường quốc tế là rất bình thường.
Triển vọng mở rộng hợp đồng tương lai
Tuy nhiên, kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam cho thấy, có nhiều doanh nghiệp cà phê kinh doanh hiệu quả trong suốt một thời gian dài, nhưng chỉ một mùa vụ rớt giá mạnh đã phải chấp nhận phá sản.
Chính vì vậy, trên thế giới, để tránh những trường hợp rủi ro này, các doanh nghiệp thường sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng tránh rủi ro. Các hợp đồng này được thực hiện thông qua các trung tâm giao dịch hàng hoá tập trung lớn tại London, New York..., cho rất nhiều loại hàng hoá khác nhau như dầu thô, xăng, chế phẩm hoá dầu, các mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, đường, gạo hay các hàng hoá khác như ngoại tệ, vàng...
Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai, các doanh nghiệp khi ký hợp đồng xuất khẩu ví dụ như cà phê trong vòng 3 tháng tới sẽ giao hàng với giá xác định vào thời điểm giao hàng. Để tránh những biến động giá có thể bất lợi, doanh nghiệp sẽ đồng thời ký một hợp đồng bán cà phê khác với khối lượng tương tự thông qua trung tâm giao dịch cà phê tại London với kỳ hạn 3 tháng. Đây chính là một hợp đồng tương lai.
Khác với hợp đồng xuất khẩu thực, hợp đồng tương lai đã được xác định giá bán ngay vào thời điểm hiện tại, chẳng hạn giá hiện tại là 1.500 USD/lot (5 tấn), giá sau 3 tháng là 1.600 USD/lot. Sau 3 tháng đến thời điểm giao hàng, nếu giá có giảm xuống 1.400 USD/lot thì doanh nghiệp sẽ lỗ với hợp đồng bán hàng thực (do giá xác định vào thời điểm mua hàng) nhưng họ sẽ lãi với hợp đồng tương lai.
Cụ thể, tại thị trường London, họ sẽ ký một hợp đồng mua ngay để bù trừ với hợp đồng ký trước đó 3 tháng, giá mua là 1.400 USD/lot và giá bán là 1.600 USD/lot tức là lãi 200 USD/lot. Bù lỗ cho hợp đồng giao hàng thực, doanh nghiệp vẫn lãi 100 USD/lot đúng như dự kiến ban đầu.
Mặc dù với hợp đồng tương lai, doanh nghiệp luôn bảo đảm được một khoản lợi nhuận như dự tính ban đầu, và loại bỏ toàn bộ những biến động giá của thị trường nhưng trong trường hợp giá tăng cao thì doanh nghiệp cũng không được hưởng mức giá tăng ngoài dự kiến.
Điều này là tất nhiên bởi trong kinh doanh, việc sử dụng các sản phẩm phái sinh để hạn chế rủi ro là việc làm cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp, không thể phó mặc toàn bộ rủi ro cho thị trường để có thể thu lãi lớn nhưng cũng có thể thua lỗ lớn. Việc tạo lập các thị trường hàng hoá tập trung cũng như các phương thức giao dịch gắn liền với nó đã phát triển rất lâu trên thị trường thế giới.
Do đó, việc phát triển các sản phẩm giao dịch cho các hàng hoá Việt Nam cũng là điều tất yếu trong giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập hiện nay.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai mở rộng mặt hàng giao dịch sang các hàng hóa có thế mạnh khác của Việt Nam như cao su, hạt tiêu, dầu thô, điều, chế phẩm xăng, gạo... và cung cấp nhiều sản phẩm giao dịch phái sinh hiện đại khác như giao dịch quyền chọn (option), hoán đổi hàng hóa (swap)...
(Thanh Hà , www.vneconomy.com.vn)