Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
90% doanh nghiệp mía đường có lãi
19 | 06 | 2007
Ngày 16/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường vụ 2006-2007 với báo cáo khả quan: 32/36 nhà máy hoạt động có lãi, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Cả nước đã ép 12,3 triệu tấn mía cây (tăng 44,7%) tương đương 94% công suất thiết kế, nhiều nhà máy ở ĐBSCL hoạt động vượt 150-200% công suất. Tổng lượng đường sản xuất 1,15 triệu tấn, tăng 51,7% đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước. Vùng nguyên liệu cũng đạt được thành công. Diện tích mía cả nước đạt trên 310.000 ha, năng suất mía đạt xấp xỉ 55 tấn/ha, tăng 10% so với niên vụ 2005-2006.

Tuy nhiên, ngành mía đường cũng đang đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết như nâng cao năng suất, chất lượng mía, cải thiện cơ cấu giống, tăng cường quy hoạch vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản phẩm, tạo đà phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, năng suất mía 55 tấn/ha là quá thấp so với bình quân thế giới, thậm chí ở miền Trung, Tây Nguyên, năng suất hàng chục năm vẫn chỉ khoảng 40 tấn/ha. Mặc dù có cải tiến về giống, quy trình thâm canh đẩy năng suất mía lên tới 100-120 tấn/ha, song cơ cấu giống mới hiện chiếm khoảng 85.000 ha (bằng 37% diện tích) cho thấy, những yếu kém trong triển khai chương trình giống mía đặc biệt ở quá trình lai tạo, khảo nghiệm trước khi triển khai trồng đại trà giống mới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội mía đường Lê Văn Tam: "Hiện có tới 60% diện tích mía trồng trên đất đồi nên không thể sử dụng hệ thống thủy lợi hiện nay do đó rất khó để nâng năng suất cây mía". Theo đại diện Công ty Đường Khánh Hòa, công nghệ sản xuất đường trong nước đã tương đương với các nước trong khu vực, để giảm giá thành không còn cách nào khác là phải nâng năng suất, hạ giá thành các khâu trung gian.

Nhiều công ty đường cũng đề nghị cần cụ thể hóa hơn quy hoạch, phân chia vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho nông dân và tránh tình trạng tranh mua nguyên liệu.Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo việc thực hiện định hướng phát triển ngành mía đường đến năm 2010 và định hướng năm 2020.

Theo đó, diện tích trồng mía hiện nay sẽ được giữ nguyên đến năm 2010 để tập trung đầu tư tăng năng suất lên đến 80 tấn/ha, tương đương sản lượng 24 triệu tấn nguyên liệu vào năm 2020, đáp ứng nhu cầu mở rộng công suất của các nhà máy thay vì xây dựng thêm những nhà máy đường mới nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng thừa trong nước, từng bước hạ giá thành đủ sức xuất khẩu.

Các nhà máy chỉ được phép mở rộng công suất trên cơ sở bảo đảm nguyên liệu và phát huy hết tiềm năng của dây chuyền hiện có, chứ không lắp đặt thêm dây chuyền.

VnEconomy

Báo cáo phân tích thị trường