Trong tình hình dịch bệnh ở gia cầm tiếp tục lan rộng ở 106 xã thuộc 18 tỉnh đã làm 5 người bị nhiễm cúm A(H5N1), Thủ tướng nhận định: Cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ bùng phát là khó tránh khỏi, bên cạnh đó đã xuất hiện cúm A(H5N1) ở người, vì vậy các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy rõ nguy cơ xẩy ra đối với gia cầm và sức khỏe người dân chủ động các biện pháp phòng tránh. Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cần kiểm tra đôn đốc thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp đã ban hành; tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm; khử trùng, tiêu độc; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với việc vận chuyển gia cầm và giết mổ gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng; đồng thời quy hoạch chăn nuôi tập trung, không để cúm gia cầm tái phát mùa Đông Xuân tới. Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương cần triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách và giải pháp đã ban hành; đồng thời sớm tìm ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ các lò ấp trứng gia cầm và đảm bảo giống an toàn, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và xã hội. Các tỉnh cần khuyến khích nhân dân khoanh vùng, lựa chọn giống gia cầm đảm bảo tiêu chuẩn; kiên quyết đóng cửa các chủ lò ấp trứng gia cầm không đạt tiêu chuẩn, thực hiện tiêu hủy gia cầm bị dịch; từng bước khắc phục tập quán chăn nuôi gia cầm thả rông, nhất là chăn nuôi vịt thả đồng (tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch). Trong tình hình hiện nay, ngành nông nghiệp không khuyến khích phát triển đàn thủy cầm, chỉ phát triển chăn nuôi khi các chủ hộ tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch. Theo Thủ tướng, các bộ, ngành cần rà soát kiểm tra và tính toán một cách hiệu quả để ngành chăn nuôi phát triển nhưng không tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã hoan nghênh ngành y tế có nhiều cố gắng trong công tác điều trị, giảm số người bị tử vong do mắc cúm A(H5N1) từ 40-50% trước đây xuống còn 20% hiện nay (chỉ có 1 ca tử vong trong số 5 ca nhiễm cúm A H5N1). Để nâng cao chất lượng điều trị, Bộ Y tế cần nhanh chóng tập huấn, hướng dẫn bác sĩ ở các địa phương sử dụng tốt các phương tiện như máy thở, phác đồ điều trị, thuốc Tamiflu v.v... sẵn có hiện nay, đảm bảo điều trị ngay tại chỗ cho bệnh nhân cúm A(H5N1).
Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: từ đầu tháng 5 đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại đều do vi rút cúm A(H5N1) gây ra, chủ yếu xẩy ra trên đàn thủy cầm chưa được tiêm phòng vacxin. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy đến nay là 177.442 con; hiện có 30/106 xã, phường đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị nhập thêm 200 triệu liều vac xin tiêm phòng cho gia cầm.
Bộ Y tế cho biết: đến nay cả nước đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tây. Trừ 1 ca ở Hà Tây đã tử vong, đã có 2 ca được xuất viện (1 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca ở Thanh Hóa). Hai bệnh nhân còn lại đang được điều trị tích cực tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia./.