Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phân tích về chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế VN trong điều kiện hội nhập
23 | 06 | 2007
Dưới đây là một số phân tích, đánh giá về tình hình chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập.
Nếu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) phản ánh động thái tăng trưởng thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế phản ánh chất lượng tăng trưởng. Về mặt lý thuyết, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một quốc gia vừa là chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế vừa phản ánh bản chất của quá trình công nghiệp hoá. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phản ánh bản chất quá trình công nghiệp hoá, khả năng thích nghi và mức độ hội nhập quốc tế của quốc gia về kinh tế. Sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế hoặc cơ cấu vùng, cơ cấu lao động, cơ cấu công nghệ, cơ cấu quy mô hay cơ cấu thành phần kinh tế…, về thực chất là điều chỉnh phương thức phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành là tiêu điểm của chính sách công nghiệp. Thành công của công cuộc công nghiệp hoá phụ thuộc trực tiếp vào thành công của việc xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp. Mặc dù cơ cấu kinh tế có thể được xem xét từ nhiều góc độ như đề cập song bài viết chỉ đề cập đến cơ cấu ngành kinh tế mà hầu hết các nước khi tiến hành công cuộc công nghiệp hoá đều quan tâm. Đây là cơ sở đánh giá, so sánh thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam nói chung và các địa phương để định hướng điều chỉnh chính sách công nghiệp phù hợp với điều kiện hội nhập.
Tổng quan
Việt Nam đang tiến hành công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm đưa đất nước về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để đánh giá chính xác quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cơ sở hoạch định chính sách công nghiệp phù hợp, cần đo lượng thận trọng quá trình chuyển dịch này ở từng giai đoạn. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố trong nước và ngoài nước. Có 2 khía cạnh cơ bản phản ánh quá trình chuyển dịch. Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình khách quan vận hành theo quy luật nội tại nghĩa là khi có đủ sự tích luỹ về lượng sẽ có sự thay đổi về chất trong cơ cấu. Đây là quá trình đào thải và sàng lọc để lựa chọn được các bộ phận phát triển phù hợp với bản chất của cơ cấu mà cụ thể là sự thay đổi tỷ trọng của các bộ phận, thứ tự, mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ cấu cũng như sự vận hành của chúng. Sự chuyển dịch cơ cấu thường gắn với sự thay đổi của lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, lợi thế theo quy mô và lợi thế sở hữu. Thứ hai, quá trình vận hành khách quan song lại được thực hiện bởi hàng loạt các chính sách tác động theo ý chí và nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và bộ máy thực hiện. Theo khía cạnh này, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình chủ quan và về cơ bản phụ thuộc vào nhận thức của các nhà hoạch định về tính khách quan của cơ cấu vốn là một thực thể thống nhất hữu cơ. Việc phân kỳ chuyển dịch cơ cấu có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định các chính sách để đạt mục tiêu. Sự tách rời càng lớn giữa yếu tố khách quan và chủ quan là nguyên nhân của tính bất cân xứng trong cơ cấu kinh tế và bộc lộ tính phi hiệu quả của các chính sách điều chỉnh. Việc kiểm định mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo căn cứ đánh giá mức độ phù hợp của chính sách áp dụng và đề xuất giải pháp điều chỉnh. Các chính sách cần hướng vào việc tạo dựng và phát triển các lợi thế tự tạo để thúc đẩy chuyển dịch.
Quan điểm V.I.Lênin về chuyển dịch cơ cấu kinh tế khẳng định công nghiệp hoá là quá trình xây dựng một nền đại công nghiệp có khả năng cải tạo nông nghiệp. Lênin đã đưa ra mô hình tái sản xuất mở rộng mang tính giả định quan trọng. Kết luận về phương pháp luận trong xây dựng cơ cấu kinh tế là khu vực sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất phải tăng nhanh nhất, tiếp đến là sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu tiêu dùng. Nói cách khác, các ngành sản xuất các yếu tố đầu vào cần phát triển nhanh nhất. Nếu một nền kinh tế vận hành theo đúng quy luật này thì mới có tái sản xuất mở rộng nghĩa là mới có tăng trưởng. Cũng theo quan điểm của V.I.Lênin, công nghiệp hoá là một quá trình cải biến toàn bộ xã hội. Đây là một quan điểm có tính khái quát hoá rất cao phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Tuy nhiên, các học giả phương Tây cho rằng nhận định như vậy là hợp lý song lại khó lượng hoá vì công nghiệp hoá trở thành một quá trình dường như không xác định được điểm kết thúc. Vấn đề là cần chia thành các thời kỳ để có chính sách phù hợp với từng giai đoạn và để nhận biết vào thời điểm kết thúc công nghiệp hoá.
Quan điểm của W.Rostow chỉ ra các giai đoạn công nghiệp hoá, song không dựa vào việc đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu chủ yếu dựa vào quá trình thay đổi xã hội với tính ước lệ khá cao của 5 giai đoạn là xã hội truyền thống, tiền cất cánh, cất cánh, chín muồi và tiêu thụ hàng loạt. Về thực chất, đây là quá trình cải biến mang tính cách mạng công nghiệp tức có sự thay đổi về chất trong hệ thống tư liệu sản xuất. Cũng theo W.Rostow quá trình công nghiệp hoá, về mặt thời gian, được thực hiện trong vòng từ 15-20 năm. Thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp hoá khác nhau ở các nước do điều kiện đặc thù và chính sách thực hiện.
Các cách tiếp cận gần đây chỉ ra quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu thể hiện ở sự thay đổi quan hệ giữa vốn và lao động mà đặc biệt là việc tăng tỷ trọng vốn, công nghệ cao và giảm tỷ trọng lao động giản đơn với việc sử dụng hàm Cobb Douglas và năng suất tổng hợp các yếu tố (TFP) để phân tích. Trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng chế biến, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao ngày càng tăng và giảm các mặt hàng chế biến thô hoặc xuất khẩu tài nguyên. Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu và để có sự chuyển dịch đó, cần đầu tư nhiều hơn vào vốn và công nghệ cao, sản xuất nhiều hàng hoá có hàm lượng vốn và công nghệ hơn là hàng hoá sử dụng nhiều lao động giản đơn hoặc sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nếu không có sự chuyển dịch như vậy, mức độ cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế rất hạn chế và nền kinh tế dễ bị tụt hậu trong dài hạn.
So sánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc
Sử dụng số liệu kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc có thể tính được hệ số cosφ tương ứng của nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc trong giai đoạn 1985-2003 và 1970-1988. Hệ số cosφ nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 1985-2003 là 0,924 và góc φ là 22o29’. Tương tự, hệ số cos của Hàn Quốc trong giai đoạn 1970-1988 là 0,9397403 và góc φ là 20o. Với kết quả này có thể thấy mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 1985-2003 cao hơn Hàn Quốc giai đoạn 1970-1988. Điều đó có thể do chính sách Việt Nam giai đoạn 1985-2003 có tác động lớn hơn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế so với Hàn Quốc giai đoạn 1970-1988.
Với mục tiêu về cơ cấu kinh tế được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam 2001-2010 là đến năm 2010 nông nghiệp chiếm tỷ trọng 16%, công nghiệp 41%, còn dịch vụ là 43% thì tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam sẽ là 52o2’/năm. Còn với mục tiêu đưa Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với cơ cấu kinh tế giả định tỷ trọng nông nghiệp là 5%, công nghiệp 15% và dịch vụ là 80% thì tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam phải đạt mức trung bình ít nhất là 44o5’/năm. Đây là tốc độ của việc thay đổi cơ cấu kinh tế theo chiều sâu khác với việc thay đổi cơ cấu theo chiều rộng trong giai đoạn đầu công nghiệp hoá mà tốc độ chuyển dịch có thể đạt tới khoảng 6o/năm như đã đề cập. Tốc độ này đòi hỏi có quy hoạch phát triển ngành hiện đại và đầu tư vào những ngành công nghệ cao hơn là những ngành mang nặng tính truyền thống.
So sánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh
Trong thời kỳ 1995-2003, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh tương tự nhau. Đối với Hà Nội, hệ số cosφ này là 0,9905819 và góc φ là 8o27’. Đối với Tp.Hồ Chí Minh, hệ số cosφ này là 0,9893017 và góc φ là 8o39’.
Các số liệu tính toán trên cho thấy mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 1995-2003 có lớn hơn song không đáng kể so với chuyển dịch cơ cấu của Hà Nội. Điều này phản ánh phần nào các chính sách điều chỉnh cơ cấu Tp.Hồ Chí Minh có hiệu quả cao hơn Hà Nội.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội
Hà Nội có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và đặc biệt trong khu vực ASEAN nói chung. Có thể gọi Hà Nội là trung tâm của sự “đột phá” về kinh tế trên tuyến giao thông từ Trung Quốc xuống ASEAN và từ biển Đông (Hải Phòng, Quảng Ninh) lên các tỉnh phía Bắc. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hà Nội tạo động lực thúc đẩy liên kết và tăng trưởng các địa phương lân cận và cả Việt Nam. Quá trình này góp phần tăng cường vị trí địa chính trị và địa kinh tế thủ đô trong khu vực.
Sử dụng số liệu thống kê có thể tính được tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hà Nội ở bảng 1.
Trong giai đoạn 1995-2005, có sự chuyển dịch nhất định cơ cấu kinh tế Hà Nội với góc φ trung bình là 53’, mức độ chuyển dịch này thấp hơn rất nhiều so với mức chuyển dịch của Việt Nam trong cùng thời kỳ (khoảng 6o) mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hà Nội đạt khoảng 12-13% còn của Việt Nam vào khoảng 8-8,3%. Điều đó cho thấy hiệu quả tăng trưởng kinh tế ở Hà Nội không lớn. Rõ ràng, để xứng đáng với vị trí và “tầm vóc” thủ đô một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với cơ cấu kinh tế tính theo GDP giả định là 1% nông nghiệp, 9% công nghiệp, 90% dịch vụ tạo ra bởi các ngành công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao cần có sự chuyển dịch cơ bản cơ cấu kinh tế ít nhất 11o2’/năm. Hà Nội cần khai thác các nguồn lực với phương thức hợp lý. Có lẽ, cần có những chính sách mạnh hơn để thu hút đầu tư từ trong nước và nước ngoài nhằm tạo chuyển biến cơ bản cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội đặt ra đối với các ngành, đặc biệt là các ngành có lợi thế so sánh cao và lợi thế cạnh tranh cao cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu Hà Nội thời gian qua phần nào phù hợp với chiều hướng chuyển dịch nói chung. Cần tận dụng áp lực về mở cửa thị trường và cạnh tranh quốc tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu.
Một số kết luận
Quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội thiên về chiều rộng, thiếu những thay đổi về chất đặc biệt là sự thay đổi cơ bản cơ cấu. Mặc dù không có sự đảo lộn lớn do chuyển dịch cơ cấu quá nhanh nhưng việc chuyển dịch chậm tiềm ẩn yếu tố không bền vững trong tăng trưởng đòi hỏi chi phí điều chỉnh lớn. Để thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu và ổn định cần chuyển dịch mạnh cơ cấu thông qua mở cửa nền kinh tế để đổi mới công nghệ, quản lý và đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Những thay đổi gần đây cho thấy cơ cấu kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch đúng hướng: giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực công nghiệp và dịch vụ, tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến tinh và chế biến sâu, giảm các mặt hàng xuất khẩu thô, chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại, tinh xảo và cải tiến chất lượng sản phẩm. Việc giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp và đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng đồng nghĩa với việc giảm yếu tố gây mất ổn định trong cơ cấu. Tuy nhiên, để có cơ cấu kinh tế hiện đại, cần một khoảng thời gian khá dài để điều chỉnh. Điều kiện tiên quyết để chuyển dịch mạnh cơ cấu là tạo được tốc độ tăng trưởng cao nhằm tạo đà huy động ban đầu các nguồn lực vào các ngành, trong đó ngành dịch vụ phải tăng nhanh nhất, tiếp đến là ngành công nghiệp và sau đó mới đến nông nghiệp. Rõ ràng, khi tăng trưởng là một quá trình tích luỹ về lượng thì khi sự tích luỹ đạt đến một ngưỡng nhất định sẽ tạo sự chuyển biến về chất nghĩa là có sự chuyển dịch trong cơ cấu.
Trong điều kiện hội nhập, chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế hoàn thiện theo hướng phát triển các ngành có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Cần khai thác vai trò Chính phủ và phát triển các loại thị trường đặc biệt là thị trường yếu tố để điều tiết và phân bổ kịp thời nguồn lực vào các ngành thông qua áp lực thị trường toàn cầu và việc điều tiết của Chính phủ. Để phát triển mạnh các ngành, cần tạo dựng và phát triển hệ thống doanh nghiệp và Tập đoàn kinh doanh mạnh. Đồng thời, cần tăng mối liên kết giữa các ngành và doanh nghiệp để chúng bổ sung và “cộng hưởng” lẫn nhau.
Cần khai thác các nguồn lực theo phương châm phát huy triệt để nguồn lực tiên tiến, giảm thiểu nguồn lực hiệu quả thấp và tối thiểu hoá thậm chí kiên quyết không sử dụng nguồn lực không có hiệu quả (như khai thác bừa bãi tài nguyên hoặc bán rẻ sản phẩm sơ chế). Việc quy hoạch phát triển ngành hay vùng cần thực hiện phù hợp, thậm chí đón đầu xu hướng chung về kinh tế. Quy hoạch phát triển các ngành cần được luật hoá để bảo đảm tính nghiêm minh. Chính sách đầu tư nên hướng vào phát triển ngành có lợi thế và triển vọng, chú trọng thu hút công nghệ nguồn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tạo động lực để doanh nghiệp phát triển sản phẩm có hàm lượng chế biến cao và giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuận lợi, cải cách mạnh cơ cấu quản lý, thúc đẩy hoạt động sáp nhập và mua lại nhằm sàng lọc và đào thải nhanh chóng những bộ phận không có khả năng phát triển, thậm chí thoái hoá.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường