Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 500.000 ha thuộc vùng ven biển phải đối mặt với dịch bệnh và nếu bảo vệ được 500.000 ha lúa này thì vụ hè thu 2007 thắng lợi hoàn toàn. Các huyện đầu nguồn ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa hè thu. Dọc các tuyến lộ thuộc tỉnh Đồng Tháp, An Giang là những cánh đồng lúa nham nhở, do chỗ này đã thu hoạch còn nơi khác thì chưa. Người dân nơi đây cho biết: “Vụ lúa này nông dân đồng bằng vừa trúng mùa lại được giá”.
Tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang bà con đang tận dụng những ngày nắng quý khẩn trương thu hoạch lúa. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong tuần qua có 161 ha được thu hoạch so với tuần trước.
Đồng Tháp bội thu vụ lúa hè thu
Nơi chúng tôi tìm đến là Tân Hồng, huyện giáp biên giới Campuchia và là vùng sâu của vựa lúa Đồng Tháp Mười. Ngoài khu dân cư đông đúc tập trung ở thị trấn huyện, đại bộ phận sống rải rác theo các tuyến kênh, con lộ. Phần còn lại là những cánh đồng lúa bao la, đất rộng người thưa, nông dân ở đây canh tác mỗi hộ vài chục ha lúa là chuyện bình thường.
Xa xa trên đồng lúa mênh mông có rất nhiều nông dân đang làm việc. Vào mùa lúa chín bà con mới huy động sức người đông như thế, không khí ngày mùa thật sự sôi động ở một vùng quê yên tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Thức, nông dân ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, được xem là “đại gia” vùng đất lúa. Ông trồng được 16 ha lúa Jasmine, gần tới ngày thu hoạch mà gặp mưa giông liên tục cây lúa bị ngã hầu như toàn bộ, nhưng lúa đã chín buộc phải thu hoạch, hạt lúa làm ra không phơi nắng được phải đưa vào sấy hạt, lúa sấy xong bán ngay cho hàng sáo giá 3.200 đồng/kg.
Tân Hồng là huyện đầu nguồn mà lại không có đê bao, nông dân xuống giống hè thu sớm, nhờ thu hoạch sớm hơn các nơi khác nên ghe mua lúa từ các tỉnh lân cận tập trung về đây mua lúa rất đông.
“Tôi thu hoạch lúa đã được 10 ngày rồi, còn hơn 10 ngày nữa thì xong hết số đất còn lại, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Thu hoạch trúng ngay đợt mưa nên bị chậm và cực quá. Nhà có lò sấy nên không lo lúa bị mốc, hiện nay nhân công cắt lúa thì chịu, lúa bị ngã khó cắt phải thuê giá cao, mới vào vụ thuê với giá 160.000 đồng/công (1.000m2), nay đã lên 200.000 đồng/công mà vẫn thiếu nhân công. Có thể còn tăng giá nữa, nhưng dù giá bao nhiêu cũng phải thuê, chứ lúa chín đã lố ngày không cắt lúa rụng hao hụt nhiều hơn”, ông Thức nói.
Vụ hè thu năm nay năng suất trung bình 5,5 tấn/ha, giá lúa khoảng 3.100đồng/kg, như vậy được xem là trúng mùa được giá đối với nông dân vùng ĐBSCL. Nhưng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh tăng, cộng thêm công cắt và chi phí sấy hạt cũng tăng đã đẩy giá thành hạt lúa lên cao hơn những vụ trước.
Gần đó là ruộng của ông Thanh trồng giống Tài Nguyên bán giá 3.000đồng/kg, năng suất đạt 6 tấn/ha. Bà con nông dân ở đây cho biết trồng lúa xuất khẩu thu lợi nhuận cao hơn trồng lúa đặc sản Jasmine. Mặc dù thu hoạch lúa rơi vào đợt mưa dầm, nhưng với giá lúa cao như thế này đã khiến bà con nông dân rất phấn khởi.
Rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp
Công ty Cổ phần Thương nghiệp và Chế biến lương thực Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ (GENTRACO) đang mua gạo nguyên liệu để chế biến loại gạo 5 % tấm với giá 4.200 đồng/kg và hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với nông dân 2 xã Thuận Hưng và Thới Thuận (huyện Thốt Nốt). Diện tích ký hợp đồng mỗi xã trên 1.000 ha. Giá lúa được bao tiêu cao hơn 10% so với giá thị trường.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc công ty cho biết: “Ngoài sản lượng lúa bao tiêu cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, công ty còn thu mua thêm lúa, gạo để dự trữ khi kết thúc mùa vụ. Hiện công ty đang chuẩn bị các điểm thu mua lúa ở các huyện trong và ngoài thành phố Cần Thơ, đồng thời công ty còn liên kết tiêu thụ lúa của thương lái trong khu vực ĐBSCL, nhất là lúa chất lượng cao và lúa thơm Jasmine.”
Khi các tỉnh đầu nguồn vào kỳ thu hoạch rộ, người cắt lúa thuê các nơi đổ về nơi đây, họ đi thành từng nhóm che liều ở tạm ven các bờ kênh rồi hàng ngày ra đồng cắt lúa từ sáng đến chiều. Đây là dịp để dân làm thuê nông nghiệp “ngày làm, tháng ăn”, lúa chín đang rất cần người gặt.
Người đi cắt lúa mướn có việc làm thường xuyên và được chủ ruộng nuông chiều, thu nhập trung bình mỗi ngày trên 100 ngàn đồng. Đây là số tiền lớn đối với người làm thuê nông nghiệp, dù phải vất vả khòm lưng cả ngày cắt lúa trong điều kiện mưa, nắng thất thường, họ vẫn vui vẻ và cố gắng cắt được càng nhiều càng tốt.
Hiện nay giá lúa hè thu đang ở mức cao, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đang đẩy mạnh công tác thu mua lúa gạo để thoả mãn các hợp đồng của Chính phủ và những hợp đồng thương mại của công ty. Giá gạo nguyên liệu chế biến loại gạo 15 – 20% tấm có giá 3.900 đồng/kg.
Theo bà Võ Thị Thanh Tuyết, An Giang vào đầu vụ chưa lâu nguồn cung lúa hàng hoá chưa nhiều, lại bị mưa nên chất lượng không cao, chỉ thích hợp làm gạo cấp thấp. Tỉnh An Giang bắt đầu thu hoạch lúa nhưng chưa nhiều, do bà con nông dân tuân theo lịch xuống giống né rầy. Ngoại trừ những vùng không có đê bao được phép xuống giống sớm tránh lũ thì nay đã bắt đầu thu hoạch