Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam – Thị trường hấp dẫn nhất châu Á
19 | 07 | 2007
Merrill Lynch năm ngoái đã gọi các cổ phiếu VN là “khoản tiền sau 10 năm sinh lãi”. Theo Citigroup, Việt Nam là "Thế lực mới nổi ở Đông Nam Á", nhà kinh tế học hàng đầu của IMF thì mô tả Việt Nam là "Trung Quốc mới nổi".Cái tên Việt Nam đang trở lại trong các tin tức nóng hổi, Manraaj Singh, chuyên gia nghiên cứu các thị trường mới nổi của Profit Hunter đánh giá. Theo ông, đây là "thời khắc của Việt Nam với tất cả lý do thích hợp".
Tăng trưởng GDP ở quốc gia châu Á này đã vượt quá 7% trong bốn năm qua, và năm nay, chính phủ đặt ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng là 8,5%. Quá trình tư nhân hoá, việc sửa đổi những quy định, điều luật hợp lý cùng với sự gia tăng nhanh chóng trong lĩnh vực xuất khẩu đã góp phần thúc đẩy hàng hoá tăng mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho nền kinh tế mở rộng cũng như thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài tăng 49% trong năm 2006, với nhiều công ty danh tiếng thế giới có mặt tại Việt Nam: Intel dành 1 tỉ USD cho dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra bán dẫn, Posco (Hàn Quốc) có kế hoạch đầu tư 1,13 tỉ USD vào các nhà máy sản xuất thép...
Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư vì giá nhân công ở đây vào loại rẻ nhất thế giới với mức lương trung bình một năm vào khoảng 800 USD. Thu nhập bình quân tính theo đầu người đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, thúc đẩy tiêu dùng phát triển. Với nền chính trị ổn định và các cam kết cải tổ thị trường của chính phủ, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã ‘’lọt vào tầm ngắm’’ của giới đầu tư.  
Mặc dù quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, chỉ có 109 công ty niêm yết với giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày vào khoảng 50 triệu USD song dự kiến sẽ có khoảng 70 doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ niêm yết vào năm 2010. Manraaj Singh cho hay, các nhà phân tích ước tính, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết sẽ tăng vọt từ khoảng 20 tỉ USD lên đến 45 tỉ USD vào cuối năm nay.
Mức vốn trên thị trường chứng khoán Đài Loan đã tăng khoảng 1.230% trong thập niên bắt đầu từ năm 1983 – giai đoạn phát triển vượt bậc. Và Việt Nam cũng đang chứng kiến tốc độ tương tự. Tập đoàn đầu tư toàn cầu Merrill Lynch và UBS dự kiến thúc đẩy các hoạt động của họ ở Việt Nam khi khả năng thanh toán bằng tiền mặt được cải thiện, nhà đầu tư Mark Mobius cũng đang chú ý tới thị trường này.  
Ngày nay, nói tới câu chuyện Việt Nam, cùng với sự phát triển về kinh tế, người ta cũng không thể không nhắc đến sự phát triển trên thị trường chứng khoán với mức tăng trưởng khoảng 40% năm nay.
Với các nhà đầu tư có tầm nhìn xa và dài hạn, những hấp dẫn của Việt Nam rất rõ ràng. Ngoài lợi thế nhân công, các thay đổi trong chính sách, vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh… Việt Nam còn là một điểm đến du lịch với tiềm năng khổng lồ.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường