Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt Nam có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu
19 | 07 | 2007
Việt Nam được thế giới biết đến là nước dẫn đầu về sản lượng và là quốc gia xuất khẩu cà phê vối (Robusta) lớn nhất nhưng thời điểm hiện tại không ít doanh nghiệp chế biến cà phê trong nước đang phải tính đến phương án nhập khẩu cà phê nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu trong nước
Hiện tại kho của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đã trống trơn. Tuy nhiên, nếu như DN có thông tin và có được các dự báo thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng ký hợp đồng xuất khẩu ồ ạt ngay sau khi vụ thu hoạch vừa kết thúc và chắc chắn lợi nhuận và nguồn ngoại tệ thu về sẽ cao hơn rất nhiều.
 
Ngay từ cuối năm 2006, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao VN (Vicofa) khuyến cáo các DN không nên ồ ạt bán cà phê đồng thời khuyến khích DN thành viên không ký hàng loạt hợp đồng có thời hạn giao quá lâu so với thời điểm ký kết (giao sau) ngay từ đầu vụ để hạn chế những rủi ro do biến động giá cả. Bởi theo dự báo sản lượng cà phê sẽ giảm trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng.
Việt Nam hiện là quốc gia có diện tích và sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới, với gần 500.000 ha và sản lượng hàng năm từ 750.000 đến 800.000 tấn. Phần lớn lượng cà phê VN được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị không cao. Trong khi giá cà phê thế giới liên tiếp tăng thì trong nước không còn để bán. Trong giai đoạn 2002-2007, giá cà phê Robusta trung bình trên thị trường thế giới đã tăng gấp 3 lần và hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1998. Giá cà phê tăng mạnh là do nguồn cung khan hiếm, eo hẹp từ các nước sản xuất lớn bởi tác động của thời tiết trong khi nhu cầu tăng mạnh đặc biệt tại châu Âu. Theo các nhà phân tích, về cơ bản, triển vọng tăng giá của thị trường sẽ vẫn tiếp diễn do nguồn cung eo hẹp. Phần lớn sản lượng thu được từ vụ năm trước của VN, nước sản xuất cà phê lớn nhất đã được bán ra.
Không tính đến khoản tiền “bị mất” do nóng vội bán đi, khi cà phê dự trữ trong nước đã hết, nếu thực hiện phương án nhập khẩu thì chắc chắn các DN sản xuất cà phê VN sẽ phải đối mặt với một thực trạng không mong muốn là bán rẻ mua đắt (chúng ta xụất khẩu cà phê khi giá thấp và phải mua vào khi giá trị trường thế giới tăng cao).
Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho biết, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2007/08 sẽ thấp hơn tiêu thụ khoảng 6-8 triệu bao (60 kg/bao). Điều này chắc chắn sẽ khiến cho giá cà phê tăng. Tuy nhiên, sản lượng cà phê Robusta của VN trong niên vụ 2007/08 được dự báo sẽ tăng khoảng 30% tương đương với 780.000 - 950.000 tấn nhờ cây cà phê đã phục hồi sau vụ hạn hán năm trước. Vậy làm thế nào để phát huy lợi thế đầu đàn về cà phê Robusta của mình?
Để Việt Nam có thể phát huy lợi thế đầu đàn về cà phê robusta, thì Việt Nam cần một giải pháp đồng bộ về vùng nguyên liệu, vấn đề thương mại, vấn đề chiến lược thị trường... nhưng bản thân hiệp hội không thể làm được mọi việc.
Nhìn từ Brazil, một trong những nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nhưng hằng năm họ đều có kế hoạch mua cà phê dự trữ để bán ra khi giá cao thì việc có một quỹ dự trữ cà phê đối với VN lúc này là rất cần thiết.
Những diễn biến của thị trường như vừa qua và với những khó khăn mà DN sản xuất phải đối mặt sẽ là bài học cho niên vụ tới . Ở đây vai trò dự báo và đưa ra khuyến cáo của các cơ quan chức năng và các tổ chức để cho hạt cà phê VN đạt được giá trị cao nhất đem lại lợi ích cho người nông dân và hiệu quả cho DN là rất cần thiết.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường