Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây mía trên vùng biên giới Hạ Lang
02 | 08 | 2007
Trồng mía để lấy mật làm bánh gai, bánh khảo... thì bà con nơi đây đã rất quen, còn trồng mía để làm giàu thì cũng nghe nói, nhưng rồi lại nghe nhiều vùng trồng rồi lại phải bỏ do giá thấp, không bán được... Ở Hạ Lang trồng mía xuất sang Trung Quốc cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng các cây khác.
 

Nhà nhà trồng mía

Với các nguồn đầu tư: Chương trình 120, 135, 186, 134..., cơ sở hạ tầng vùng biên giới Hạ Lang (Cao Bằng) đã có nhiều thay đổi. Ðường từ huyện lỵ Hạ Lang đi Bằng Ca, ngày nào nổi tiếng "ổ gà", "ổ trâu" và xe "pan"... thì nay ngồi trên xe cứ ngỡ đi du lịch sinh thái. Ðường ra xã Thị Hoa, nơi có cửa khẩu Bí Hà tuy còn khoang nhựa, khoang cấp phối, nhưng đã tốt hơn trước đây nhiều.

Toàn xã Thị Hoa có 340 hộ,  diện tích tự nhiên 3.155 ha trong đó đất nông nghiệp chỉ 451 ha và với hai cây trồng chính là lúa, ngô. Ngoài  ra còn có một số loại cây màu như đỗ các loại (chủ yếu là đỗ tương), khoai, sắn. Trong 541 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa có 207 ha (trong đó chỉ có 85 ha làm được  hai vụ), còn lại 244 ha chuyên trồng ngô và các loại màu, ở đây gọi chung 244 ha này là đất sản xuất màu. Việc trồng mía xuất khẩu ở đây mới thực hiện trên diện tích đất trồng màu.

Cuối năm 2005, nông dân các xã Thị Hoa, Việt Chu, Thái Ðức đã sang vùng biên Trung Quốc lấy mía giống về trồng. Vụ năm 2006, Thị Hoa trồng tổng cộng 80 tấn mía giống, cuối vụ đã xuất sang Trung Quốc 22,1 tấn (số còn lại bà con để làm giống cho năm 2007) với giá là 275 tệ/tấn, tức bằng 550.000 đồng/tấn. Với giá này, trên cùng một diện tích nếu trồng mía sẽ có thu nhập cao gấp đôi trồng ngô và đỗ, ngoài ra còn tiết kiệm được công làm đất. Trước triển vọng đó, huyện Hạ Lang đã có những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo huyện Long Châu và huyện Ðại Tân - Quảng Tây - Trung Quốc (hai huyện tiếp giáp với Hạ Lang) về việc tạo điều kiện giúp nông dân vùng biên Hạ Lang phát triển cây mía. Kết quả, lãnh đạo hai huyện nói trên của phía Trung Quốc nhất trí cao về việc các nhà máy đường Trung Quốc sẽ mua mía của Việt Nam theo giá mua mía của nông dân Trung Quốc và tạo các điều kiện thuận lợi giúp nông dân Hạ Lang phát triển cây mía bằng cách phía Trung Quốc cho ứng trước giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật rồi khấu trừ khi thanh toán tiền bán mía.

Thực hiện chủ trương hợp tác này, phía huyện Hạ Lang giao cho Công ty cổ phần Thương mại Hạ Lang và HTX  sản xuất vật liệu xây dựng Bằng Ca làm việc với các đối tác phía Trung Quốc; và phía bên  Trung Quốc: huyện Long Châu giao nhiệm vụ này cho Phòng mía đường (lo về kỹ thuật) và Công ty  Mía đường Nam Hoa (lo về giống và phân bón), huyện Ðạ Tân giao tất cả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường Lôi Bình.

Bí thư Ðảng ủy Lê Văn Sơn, Chủ tịch  Hội Cựu chiến binh xã Nông Văn Mạo đưa chúng tôi thăm vùng trồng mía tại xóm Cốc Nhan. Cốc Nhan có 42 hộ bà con Tày, Nùng, diện tích ruộng không nhiều nhưng hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng kiên cố. Ðường lầy, chốc chốc chúng tôi lại phải bước lên bờ   mương mà đi. Hệ thống kênh mương ở đây được xây dựng bằng nguồn vốn của EU tài trợ. Kênh mương kiên cố, nhưng sản xuất ở đây vẫn phụ thuộc nhiều vào nước trời do nguồn nước ít và chảy qua các đồi bãi gieo trồng, nên cây lúa nước ở đây không thể trở thành thế mạnh được. Cả xóm nhà nào cũng trồng mía, nhà ít thì trồng 3 tấn giống, nhà nhiều thì 20 tấn (theo quy chuẩn mỗi ha trồng 12 tấn giống). Giống mía ở đây toàn bộ là giống Ðại đường 22 và Ðại đường 23 của Trung Quốc. Gia đình anh Nông Văn Du trồng năm tấn giống, chiếm hai phần ba tổng diện tích trồng ngô. Còn gia đình anh Nông Văn Dũng cơ bản đã chuyển hết đất trồng màu sang trồng mía, riêng phần trồng mới của năm nay hết 20 tấn giống. Theo anh Dũng tính toán, đất ở đây nếu một năm trồng một vụ ngô cộng với một vụ đỗ tương thì chỉ có thu nhập tối đa không quá 12 triệu đồng/ha, nhưng nếu trồng mía và được giá như vừa qua thì sẽ có thu nhập ít nhất là 30 triệu đồng/ha năm. Ngoài ra, trồng mía còn tiết kiệm được công làm đất rất nhiều do cây mía một lần trồng thu hoạch được ba năm.

Ðất đồi bãi ở đây rất phù hợp cây mía. Cả những vườn làm mô hình lẫn những diện tích do nông dân tự trồng từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 đến nay đều mọc tốt như nhau, cây đã cao quá đầu người.

Ðể cây mía trở thành cây chủ lực

Theo Phòng Nông nghiệp huyện, năm nay toàn huyện Hạ Lang có 155 ha mía, và với số liệu khảo sát năm 2006 năng suất mía trung bình là 60 tấn/ha (cao nhất 80 tấn/ha). Như  vậy vụ mía tới Hạ Lang có ít nhất 90.300 tấn mía.

Anh Hoàng Ðức Tàng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện và chị Ðinh Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hạ Lang tâm sự nhiều với chúng tôi về vấn đề giúp nông dân nơi đây chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo anh chị, hướng đi trồng mía bán cho Trung Quốc là phù hợp tình hình sản xuất mía đường của vùng biên Trung Quốc. Ðể nông dân nơi đây mạnh dạn và có đủ khả năng chuyển đổi nhanh các diện tích trồng lúa bấp bênh sang trồng mía và khai hoang thêm diện tích để trồng mía... thì nông dân rất cần sự hỗ trợ về vốn.

Dự án về vùng mía xuất khẩu của huyện Hạ Lang đã được phê duyệt từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư 23,409 tỷ đồng nhưng nay vẫn chưa được khởi động. Vì dự án chưa được thực hiện, nên hiện nay việc phát triển cây mía vẫn khó khăn. Người dân Hạ Lang rất mong các cấp lãnh đạo nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để cây mía trở thành cây chủ lực, giúp dân xóa đói, giảm nghèo.



Nguồn tin: Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường