Nhiều vấn đề tồn tại như: thương mại hàng hoá chưa gắn với đầu tư và thương mại dịch vụ; Việt Nam mới khai thác được những lợi thế sẵn có về lao động và tài nguyên mà chưa hợp tác về chiều sâu; thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc vẫn còn lớn... Điều này đang đòi hỏi các nhà khoa học, các cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu... cần sớm tổng kết để đưa ra các giải pháp kịp thời.
“Nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam chưa có một chiến lược hợp tác kinh tế lâu dài và chưa có khả năng thích ứng nhanh với sự nổi lên của Trung Quốc để có thể khai thác tối đa lợi thế và hạn chế rủi ro”, PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, cho biết.
Theo ông Lịch, ngay cả việc phát triển nóng của Trung Quốc cũng có thể tạo ra những rủi ro cho Việt Nam như thách thức cạnh tranh, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường...
Trong trao đổi thương mại giữa hai nước, một vấn đề nổi bật lên là xu thế thâm hụt thương mại của Việt Nam đang tiếp tục tăng lên. TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ: nếu sử dụng các số liệu của Hải quan Việt Nam từ năm 1986 đến nay, biểu đồ quan hệ xuất - nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc cho thấy đến năm 2000, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc tương đối cân bằng, thâm hụt thương mại không đáng kể, song từ năm 2001 cho đến nay, xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt và thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã gia tăng rất nhanh chóng.
Mức độ nhập siêu năm 2006 tương đương 176,2% xuất khẩu của Việt Nam. Nếu theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc năm 2006 thì mức thâm hụt thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đã vượt ngưỡng 200% xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu kể cả thương mại dịch vụ, bao gồm ngân hàng, du lịch, viễn thông, mua điện thì chắc chắn thâm hụt thương mại của Việt Nam còn cao hơn nữa.
Từ năm 2007, với việc Việt Nam thực hiện giảm thuế các mặt hàng công nghiệp và nông sản theo cam kết gia nhập WTO, dự báo luồng hàng xuất khẩu của Trung Quốc còn tăng lên mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2007 và những năm tiếp theo nếu như Việt Nam không có đối sách hợp lý.
Như vậy, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, chứa đựng nhiều cơ hội cũng như đặt ra nhiều thách thức. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng chủ trương phát triển của Trung Quốc để có những đối sách thích hợp cho từng giai đoạn phát triển.
Theo GS. Nguyễn Mại, quy mô to lớn của thị trường Trung Quốc, tiềm lực đang được gia tăng nhanh chóng về kinh tế, nhất là công nghệ và vốn đầu tư là cơ hội lớn đối với việc mở rộng sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước về thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ, chuyển giao công nghệ.
Những quan hệ hợp tác đó đang được thực hiện, nhưng để mở rộng nhanh chóng phạm vi hoạt động và tăng nhanh tốc độ phát triển thì cần có sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong hoạt động của các chủ thể của Việt Nam là bộ máy Nhà nước, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức phi chính phủ.
Những vấn đề đặt ra trong từng lĩnh vực như mậu dịch biên giới, ý tưởng về xây dựng hai hành lang một vành đai kinh tế, thanh toán qua ngân hàng cũng như cơ chế hợp tác khu vực gồm các tỉnh ở Bắc bộ để có đủ thế và lực trong quan hệ với các tỉnh biên giới của Trung Quốc... cần được nghiên cứu và triển khai nhanh hơn với sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Bên cạnh đó, sức mạnh của Trung Quốc là thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về hàng hoá và dịch vụ, cũng như sức hấp dẫn trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thách thức này sẽ ngày càng lớn hơn vì nền kinh tế Trung Quốc ngày càng mạnh hơn.
Nếu chủ động đối phó với thách thức theo việc chấp nhận Luật cạnh tranh bằng cách đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã hàng hoá, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng hàng hoá và dịch vụ thì sẽ biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Đã từng có thời gian bia Vạn Lực và đồ sứ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Đối mặt với sức ép to lớn đó buộc các nhà sản xuất trong nước phải đầu tư đổi mới thiết bị, chú trọng nghiên cứu thị trường, cải tiến sản phẩm.
Nhờ đó mà sản phẩm bia Vạn Lực đã không còn chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, còn đồ sứ của Trung Quốc chỉ còn là sự bổ sung cần thiết các mặt hàng gốm sứ khá đa dạng của Việt Nam.
Đó là một số ví dụ điển hình thành công trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường nội địa so với hàng hoá Trung Quốc được GS.TS. Nguyễn Mại nêu ra.
Một hình thức khác cũng có thể dẫn tới thành công là hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc để đối phó với thách thức về tính cạnh tranh của hàng hoá nước này.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng điện tử có hạng ở Hà Nội đã áp dụng phương châm “sống chung với lũ” bằng cách hợp tác với nhà sản xuất điện tử hàng đầu của Trung Quốc, kết hợp với nhập khẩu công nghệ của Hàn Quốc, tạo ra mặt hàng mới cung ứng trên thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng cuộc cạnh tranh giữa các mặt hàng của Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn gay gắt hơn.
Nguyên nhân sâu xa của tình hình này là do cơ cấu của hai nền kinh tế tương tự như nhau nhưng Trung Quốc đã tiến xa hơn trong quá trình công nghiệp hoá và năng lực cạnh tranh của Trung Quốc cao hơn Việt Nam (năm 2005, Trung Quốc xếp thứ 49, Việt Nam xếp thứ 81 trên 117 nền kinh tế, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
Do có nhiều sản phẩm tương tự như Việt Nam nên việc vừa hợp tác, vừa cạnh tranh sẽ trở thành một yêu cầu không tránh khỏi đối với rất nhiều sản phẩm của Việt Nam.
TS. Lê Đăng Doanh khẳng định: “Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh, phải học tập các doanh nghiệp Trung Quốc, hợp tác với họ trên từng công đoạn, từng khâu chế tác, trên từng phân khúc thị trường. Những công đoạn nào có thể hợp tác, nên triển khai việc hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tránh việc bán nguyên liệu thô. Nếu không cạnh tranh được về giá cả hàng may mặc, doanh nghiệp có thể sản xuất dòng hàng có chất lượng cao hơn hoặc sản xuất những mặt hàng khác hợp thời trang hơn và duy trì được thị phần ở thành thị trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu khác”.