Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng
28 | 08 | 2007
Trung Quốc đã từng tiêu thụ đến 50% sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hiện nay tình hình ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc đang tăng lên.

Nhằm mục đích thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Chương trình Thu hoạch sớm (Early Harvest Program - EHP) đã được xây dựng với những cơ chế ưu đãi về thuế quan giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với 5.400 mặt hàng, trong đó 600 mặt hàng nông sản phải giảm thuế trong năm 2003. Chương trình thực hiện đối với Việt Nam bắt đầu không muộn hơn 1/1/2004 và sẽ kết thúc vào 1/1/2008.

Theo cam kết, thời điểm chính thức khởi động ACFTA bắt đầu từ 1/1/2005 nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã mở cửa thị trường nông sản từ 1/1/2004 cho các nước ASEAN.

Tuy Việt Nam chưa chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng Trung Quốc cũng đã dành cho Việt Nam ưu đãi tối huệ quốc với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc như với các nước thành viên WTO từ 1/1/2002, trong đó mức thuế suất trung bình đối với hàng nông sản đã giảm xuống mức trung bình còn 13,6%.

Những ưu đãi trên đã đưa hàng nông sản Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn với thị trường tiêu thụ 1,3 tỷ dân của Trung Quốc cộng với nhu cầu nhập khẩu nông sản không ngừng gia tăng hàng năm tại quốc gia này .

Mặc dù cơ hội mở ra cho nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc khá rõ ràng, nhưng theo đánh giá của Vụ châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Thương mại), hàng hoá nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây chưa có chuyển biến, thậm chí những mặt hàng được ưu đãi lại đang có kim ngạch giảm dần kể từ khi Trung Quốc thực hiện cam kết trong chương trình EHP.

Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản (chủ yếu là rau quả) Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm từ 142,8 triệu USD năm 2001 xuống còn 35 triệu USD năm 2005. Đơn cử như mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc đang có xu hướng giảm, năm 2004 chỉ đạt 20 triệu USD, bằng 14% so với năm đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất là năm 2001, và chỉ bằng 29,65% so với năm 2003.

Đây quả là tín hiệu đáng buồn khi mà Trung Quốc đã từng được biết đến là một quốc gia tiêu thụ đến 50% sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Một thực trạng đáng buồn khác cùng tồn tại là trong khi kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc liên tục giảm thì khi kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc lại tăng từ 30,9 triệu USD năm 2001 lên 80,2 triệu USD năm 2005. Thực tế này cho thấy, hàng nông sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc.

Thách thức đáng lo ngại nhất là hàng nông sản Việt Nam phải cùng cạnh tranh trong khối ASEAN tại thị trường Trung Quốc. Điển hình là cạnh tranh rau quả với Thái Lan, Philippines; gạo với Thái Lan (Trung Quốc nhập khẩu gạo khoảng 518.000 tấn của Thái Lan trong tổng số 600.000 tấn nhập khẩu hàng năm); cao su với Indonesia, Malaysia...

Theo đánh giá của các chuyên gia, để gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản, Việt Nam không thể chỉ đơn thuần sử dụng chính sách phát triển thị trường mà cần tập trung nhiều hơn vào chính sách phát triển nguồn hàng. Do đó, ngoài vấn đề phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước cần ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân địa phương nhập khẩu các máy móc chế biến nông sản quy mô nhỏ cho từng vùng nguyên liệu.

Cụ thể, Nhà nước cần hỗ trợ tìm kiếm các nguồn máy móc chế biến, đóng gói phù hợp với quy mô sản xuất và tạo ra được những sản phẩm chất lượng và khuyến khích các doanh nghiệp nông thôn nhập khẩu phục vụ sản xuất, bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho phát triển năng lực doanh nhân nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao năng lực của các ngành công nghiệp phụ trợ chế biến nông sản.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng thời cơ từ việc cắt giảm thuế quan theo EHP để tiêu thụ nông sản, sau đó nhập khẩu công nghệ và thiết bị chế biến nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tình hình thị trường và tính phù hợp của sản phẩm nông sản chế biến để từng bước sản xuất nhằm mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn những sản phẩm chế biến sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác, tạo đà tăng trưởng mới cho nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác, Việt Nam cũng sẽ phải mở cửa thị trường nông sản. Trong điều kiện đó, các mặt hàng nông sản, rau quả của Trung Quốc và các nước khác sẽ vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp không những cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường khu vực mà còn cần khẳng định vị trí ngay trên thị trường nội địa.



Nguồn tin: Cục Chế Biến Nông Lâm sản & Nghề Muối
Báo cáo phân tích thị trường