Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa tươi nhưng không phải sữa tươi
20 | 06 | 2007
TTCT - Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong nói: Theo phản ảnh từ người tiêu dùng, từ các nguồn khác nhau mà chúng tôi nhận được, rất nhiều doanh nghiệp đã nhập sữa bột về để sản xuất... sữa tươi tiệt trùng. Tất nhiên trong quá trình đăng ký công bố chất lượng, doanh nghiệp phải giải trình quá trình sản xuất: nguyên liệu ra sao, qui trình sản xuất thế nào, qui trình tiệt trùng ra sao... Nhưng có nhiều sản phẩm khi được kiểm nghiệm để cho công bố thì làm rất đúng, sản phẩm là sữa tươi thật, khi tung ra thị trường thì... không phải sữa tươi.

* Đó mới là “dư luận”, còn sự thật ra sao, thưa ông?

- Hiện tại thanh tra vừa vào cuộc, mới thanh tra một đơn vị nên chúng tôi chưa kết luận đơn vị nào cụ thể. Nhưng dư luận nói không phải không có cơ sở. VN chưa nuôi nhiều bò sữa, trong khi có rất nhiều doanh nghiệp đang sản xuất loại sữa gọi là “sữa tươi tiệt trùng”, nhưng sữa bò tươi lại không tiêu thụ hết, giá sữa bò tươi lại ngày càng giảm, lượng sữa hoàn nguyên nhập khẩu lại tăng. Đó là một bất hợp lý.

* Về chất lượng, “sữa tươi tiệt trùng” đúng nghĩa có gì khác so với loại sản xuất từ sữa bột không, thưa ông?

- Tôi cho rằng các chỉ tiêu về đạm, đường, béo, chỉ tiêu về vi sinh, nấm men nấm mốc... có thể đạt yêu cầu. Nhưng rõ ràng nhập sữa bột để sản xuất sữa tươi thì giá thành rất thấp. Chắc chắn phải có lợi nhuận hơn sản xuất từ sữa tươi thật thì người ta mới làm như vậy, đó là hình thức gian lận thương mại. Từ nay đến cuối tháng, hai bộ Thương mại và Y tế sẽ phối hợp thanh tra, bất cứ doanh nghiệp nào sản xuất sữa tươi tiệt trùng đều được thanh tra. Xem nguyên liệu là thế nào, qui trình ra sao... Thực tế chỉ cần xem nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra là biết ngay sản phẩm sản xuất từ sữa bò tươi hay sữa bột.

* Mới đây lại có những điều tra cho thấy các doanh nghiệp đã sử dụng dầu cọ thay thế chất béo sữa trong sản xuất sữa nước. Ông có biết việc này?

- Như tôi đã nói đang trong quá trình thanh tra, chúng tôi chưa kết luận những việc và doanh nghiệp cụ thể.

* Tất cả các sản phẩm này đều được kiểm tra và công bố chất lượng tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng khi có vấn đề, các ông lại nói là mới có dư luận, chưa kết luận doanh nghiệp cụ thể...

- Có một khó khăn là khi mang hồ sơ sản phẩm tới công bố chất lượng, hầu như các sản phẩm này đều chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu. Vấn đề là công tác hậu kiểm, là kiểm tra - thanh tra thường xuyên...

* Điều gì là khó khăn nhất trong quản lý kinh doanh sữa hiện nay, thưa ông?

- Đó là quản lý quảng cáo. Đặc biệt là với các loại sữa có bổ sung vi chất, vi lượng... Trước khi quảng cáo phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định xem nội dung có trung thực hay không. Nhưng thực tế thì nhiều doanh nghiệp không chấp hành, cứ quảng cáo quá đáng so với chất lượng đã công bố tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi ví dụ như nhiều loại sữa quảng cáo bổ sung DHA làm trẻ thông minh, phát triển trí não, chất đó có tác dụng đấy, nhưng phải hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào... Chứ chỉ có tí ti là quảng cáo rùm beng phát triển trí não, giúp bé thành thiên tài.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa cũng thường xuyên quảng cáo kiểu tờ rơi tờ gấp đem phát tại các nhà trẻ, trường học, quảng cáo trên các tạp chí... những nội dung chưa được thẩm định, nói quá lên về chất lượng sản phẩm của mình. Nghị định 21 đã qui định cấm quảng cáo, khuyến mại sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, nhưng mới đây tôi đã nhận được ảnh và đơn khiếu nại một hãng sữa đã khuyến mại “mua 2 tặng 1” sữa cho nhóm tuổi này.

* Theo ông, có thể làm gì để “lập lại trật tự” trong kinh doanh sữa?

- Tôi cho là tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm.

* Như vậy là từ trước đến nay các ông chưa kiểm tra và xử lý nghiêm?

- Ngay sau khi nhận được các thông tin từ báo chí, từ dư luận, chúng tôi đã kiểm tra nhưng các doanh nghiệp đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ. Trách nhiệm chính trong vấn đề này còn thuộc ngành thương mại, bởi ngành y tế chỉ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Thưa ông, sữa là mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao và liên quan đến sức khỏe của con người, nhất là trẻ em, nhưng việc quản lý hình như đang quá lỏng lẻo?

- Một mặt hàng sữa đang có hai cơ quan quản lý là Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Y tế. Bộ Y tế chỉ quản lý về vệ sinh và an toàn, Bộ Khoa học - công nghệ quản lý chất lượng. Chưa kể cơ quan quản lý thị trường của Bộ Thương mại. Cũng theo qui định thì sữa cũng như các thực phẩm khác hiện được phép lưu hành trên thị trường sau khi công bố chất lượng và có giá trị vĩnh viễn nếu doanh nghiệp và sản phẩm không có sai phạm. Vì thế công tác hậu kiểm là rất quan trọng để phát hiện đơn vị sai phạm và xử lý thật nghiêm.

Lan Anh - Ngoc Ha (Tuoitre.com.vn)



Báo cáo phân tích thị trường