Là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới nhất cho nền kinh tế, song doanh nghiệp dân doanh vẫn còn vướng phải nhiều rào cản trên con đường phát triển của mình.Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ tổ chức một hội nghị bàn về phát triển doanh nghiệp dân doanh, một hội nghị mà theo như Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định là một “cuộc gặp gỡ lịch sử”. Tại đây, rào cản được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất chính là cơ chế và thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phiền hà, cản trở đối với các hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh…trong đó điển hình là các thủ tục liên quan đến đến gia nhập thị trường, đất đai và giấy phép “con”.
Theo một điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 6.700 doanh nghiệp dân doanh, trung bình các doanh nghiệp đã phải mất đến 22,7 ngày để đăng ký kinh doanh. Hơn 25% doanh nghiệp phải mất hơn 30 ngày mới nhận được các giấy tờ cần thiết. Thủ tục về đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… vẫn còn chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước.
Thống kê cho thấy, hơn 65% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bình quân mỗi doanh nghiệp dân doanh phải mất hơn 131,8 ngày để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tình trạng lộng hành của giấy phép “con” cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp dân doanh “đau đầu” trong thời gian qua. Điều tra cho thấy, một doanh nghiệp vẫn cần đến bình quân 4,14 giấy phép kinh doanh các loại, 14,56% doanh nghiệp cho rằng rất khó khăn để có được đầy đủ các loại giấy phép.
Điều đáng chú ý là các giấy phép “con” không ngừng xuất hiện trong thời gian qua, trong khi hiện không có bất kỳ một cơ chế, quy chuẩn hay cơ quan nào để rà soát, đánh giá và kiểm soát vấn đề này.
Trong năm 2006 vừa qua, VCCI đã tiến hành rà soát thử 37 loại giấy phép kinh doanh của một số ngành. Kết quả cho thấy,100% số giấy phép được đánh giá là có điều kiện cấp phép là không hợp lý; 89% số giấy phép được rà soát có vấn đề về thủ tục cấp phép…
Các thủ tục hành chính khác nói chung vẫn còn khá nhiều phiền hà. Qua điều tra có đến 22,9% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian của mình để giải quyết các thủ tục hành chính. Nghiêm trọng hơn, có đến 68,48% doanh nghiệp phải trả các khoản chi phí không chính thức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh