Đây chính là câu hỏi của các nhà đầu tư, và của chính bản thân Hastc. Hiện nay Hastc đang có 89 doanh nghiệp niêm yết. Vào cuối năm 2006 - thời kỳ "thăng hoa" của thị trường chứng khoán - số lượng doanh nghiệp đăng ký lên sàn ào ạt, có ngày 4-5 DN cùng công bố niêm yết.
Tuy nhiên, trong 4 tháng trở lại đây khi thị trường chứng khoán đang có sự điều chỉnh sâu, thì các nhà đầu tư trên sàn Hastc dường như chịu tác động mạnh và nhiều hơn so với sàn TP HCM.
Có phiên, Hastc-Index giảm xuống 241,92 điểm, mức điều chỉnh khá mạnh so với “đỉnh” là 459,36 điểm và từ đầu năm đến nay, Hastc chỉ mới đón nhận vẻn vẹn 3 DN lên niêm yết.
Giám đốc một quỹ đầu tư nhận xét, Hastc được thiết kế cho cổ phiếu OTC và cổ phiếu của những DN muốn niêm yết ở sàn thứ cấp (một bước đệm để lên sàn chính thức), khi thị trường phát triển sang một giai đoạn mới sẽ có sự phân loại nhà đầu tư đối với từng sàn.
Đề cập đến câu chuyện chuyển sàn, các doanh nghiệp trong cuộc đưa ra nhiều lý do.
Thứ nhất, họ cho rằng sàn TP HCM hấp dẫn hơn sàn Hà Nội bởi cổ phiếu trên sàn TP HCM có tính thanh khoản hơn dẫn đến giá cả cao hơn và được các nhà đầu tư ngoại quan tâm hơn.
Thứ hai, các doanh nghiệp cho rằng Hastc chỉ được coi là “bước đệm” để doanh nghiệp dễ dàng niêm yết trong giai đoạn chạy đua nước rút để hưởng ưu đãi thuế (cuối 2006). Một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện khắt khe của sàn TP. HCM sau khi cổ phần hóa nên chọn sàn Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp đã ghi rõ sẽ chuyển vào sàn TP.HCM sau khi niêm yết ở Hastc trong chiến lược phát triển.
Theo đại diện Công ty cổ phần Minh Phú, thủ tục chuyển sàn không mấy phức tạp. Sau khi nộp hồ sơ lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và được chấp thuận về mặt nguyên tắc doanh nghiệp mới thông báo với sàn Hà Nội và thực hiện thủ tục chốt danh sách cổ đông. Ít nhất một tháng sau, cổ phiếu sẽ được giao dịch trên sàn mới.
Xu hướng chuyển sàn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng khi doanh nghiệp lớn, cổ phiếu có tính thanh khoản cao chạy sang sàn TP. HCM sẽ tác động không nhỏ tới tính thanh khoản của Hastc nói chung và các cổ phiếu niêm yết tại đây nói riêng.
Chẳng đâu xa, giao dịch của nhà ĐTNN tại sàn này hiếm khi có giá trị vượt 30 tỷ đồng/phiên.
Không giấu được nỗi buồn khi đề cập tới việc các doanh nghiệp chuyển sàn, nhưng lãnh đạo Hastc cho biết việc chuyển sàn là quyền lựa chọn của DN chứ không phải do chất lượng dịch vụ của Hastc.
Về phần mình, trong thời gian tới Hastc sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ, công nghệ để tạo điều kiện tốt cho các công ty niêm yết cũng như giao dịch của nhà đầu tư. Hastc cũng đang rốt ráo triển khai xây dựng thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt, được hình thành trên cơ sở thị trường đấu thầu hiệu quả và tách ra khỏi thị trường cổ phiếu, đồng thời xây dựng và đưa vào vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu cho các công ty đại chúng...
Dù sao, Hastc vẫn đóng vai trò quan trọng với TTCKVN vì thị trường trái phiếu vẫn có khả năng phát triển trên sàn này. Các chuyên gia tin tưởng rằng trong tương lai thị trường trái phiếu sẽ phát triển song hành với thị trường cổ phiếu, dù hiện tại quy mô của thị trường này còn khiêm tốn, ước khoảng 7 tỷ USD.
Vì thế dù các "đại gia" có ra đi, vị thế của sàn Hà Nội đối với các nhà đầu tư vẫn không bị tác động nhiều.