Hiện nay, kế hoạch 5 năm thứ 11 (2006-2010) vẫn chưa được đưa ra. Tuy nhiên, theo các nguồn tin trong ngành cho biết trong kế hoạch này Chính phủ Trung Quốc sẽ chú trọng hơn đến vấn đề phát triển bền vững và khai thác hợp lý các nguồn lợi và tăng cường hiện đại hóa toàn bộ ngành thủy sản.
Sản lượng chung
Chính sách về sản xuất thủy sản của Trung Quốc nhìn chung vẫn không thay đổi.
Khi kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001-2005), nhìn chung ngành thủy sản đã đạt được các mục tiêu phát triển đề ra cho ngành.
Dự đoán, diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ tăng chậm dần, sau khi liên tục tăng trong 4 năm vừa qua. So với năm 2001, tổng diện tích của năm 2004 đã tăng gấp 10,5%, nhất là diện tích nuôi trên biển.
Chính phủ chủ trương khuyến khích tăng cường khai hoang diện tích để phục vụ nuôi thủy sản nhằm thu hút một lực lượng lớn lao động và tăng thu nhập cho vùng nông thôn.
Kết quả là diện tích nuôi liên tục tăng và gây hậu quả ô nhiễm nguồn nước và làm mất đất có khả năng canh tác.
Vì vậy các chính sách ưu tiên mới sẽ tập trung vào các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Chế biến phục vụ thương mại” của các sản phẩm thủy sản sẽ tiếp tục phát triển. Chính phủ Trung Quốc coi đây là một ngành có nhiều lợi thế do chi phí lao động thấp, tạo ra nhiều việc làm và có thể tận dụng được các phụ phẩm làm thức ăn gia súc.
Các nguồn tin chính thức trong ngành đều cho rằng Trung Quốc có khả năng trở thành một trung tâm chế biến cá tuyết, cá thu và cá trích của thế giới.
Số các doanh nghiệp tham gia vào “Chế biến phục vụ thương mại đang tăng lên, nhất là ở các tỉnh có nghề cá lớn như Sơn Đông và Liêu Ninh.
“Tăng trưởng 0” đối với khai thác biển
Chính sách này tiếp tục được duy trì nhưng đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài lại được khuyến khích.
Tạm ngừng đánh bắt 2 tháng trong vụ hè ở các vùng biển của Trung Quốc tiếp tục được duy trì trong năm 2005 và 3 tháng cấm đánh bắt trên sông Dương Tử vào vụ xuân vẫn được thực hiện trong năm thứ 4 liên tiếp.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết năm 2004, ngành đã thải loại làm sắt vụn trên 8.000 con tàu và có trên 40.000 ngư dân chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chủ trương cho ngành thủy sản tiếp tục được hỗ trợ tài chính ổn định ở mức trên 152 triệu USD trong năm 2004, chủ yếu tập trung vào đầu tư cho xây dựng năng lực thực thi các bộ luật và qui định phù hợp, xây dựng cơ sở phương tiện cảng cá và tái tạo việc làm cho người lao động phát sinh dư dôi từ việc thải loại tàu đánh bắt.
Các vấn đề liên quan đến thương mại
Do Chính phủ Trung Quốc ủng hộ chính sách “Chế biến phục vụ thương mại” đối với sản phẩm thủy sản, nhập khẩu để chế biến thương mại sẽ được hưởng chế độ miễn thuế và không chịu thuế GTGT, các sản phẩm đã chế biến phải được tái xuất.
Còn các lô hàng thủy sản khác nhập khẩu vào Trung Quốc phải chịu thuế và thuế giá trị gia tăng (CH5089) (trừ khi có các Hiệp định riêng).
Thương mại với các nước trong khối ASEAN dự đoán sẽ tăng trong năm 2006 do các nước này được hưởng chế độ “thuế quan bằng 0” áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp, có hiệu lực từ 1/1/2006. Dựa trên khuôn khổ Hiệp định và Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á”, Trung Quốc và ASEAN giảm các mức thuế xuống mức trung bình là 8,1% từ 20/6/2005.
Các mức thuế quan sẽ được loại bỏ hoàn toàn đối với các sản phẩm nông nghiệp trong đó có thủy sản bắt đầu từ ngày 1/1/2006.