Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
17 | 09 | 2007
Theo Kế hoạch phát triển tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010, 60% số doanh nghiệp lớn, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng thương mại điện tử và 10 % số hộ gia đình tham gia mua bán qua thương mại điện tử.
Để góp phần đạt được kế hoạch này, tiến sĩ Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Thương mại cùng các cộng sự đã thực hiện thành công chương trình “Nghiên cứu một số vấn đề kỹ thuật –công nghệ chủ yếu trong Thương mại điện tử và triển khai thử nghiệm”, với các sản phẩm về hệ thống quản lý chứng chỉ số; hệ thư điện tử an toàn, bảo mật; công nghệ thanh toán; mô hình Trung tâm hỗ trợ và xúc tiến thương mại điện tử: kê khai thuế giá trị gia tăng qua mạng và sàn Thương mại điện tử.

Thực tế, trong khoảng 200.000 doanh nghiệp hiện có ở Việt Nam, khoảng 18.000 doanh nghiệp có trang web riêng, tuy nhiên, ứng dụng thương mại điện tử của hầu hết các doanh nghiệp còn ở mức độ sơ khai. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển Thương mại điện tử đang là một trong những nỗ lực của Việt Nam .

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại sửa đổi và mới đây, Nghị định về Thương mại Điện tử được ban hành cũng đã đánh dấu bước tiến lớn trong việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm tiến hành giao dịch Thương mại điện tử, khuyến khích Thương mại điện tử phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia , đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động Thương mại điện tử. Một loạt các văn bản pháp lý khác như Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số...cũng đang được xây dựng.

Năm 2005, các hoạt động Thương mại điện tử được coi là bắt đầu khởi sắc. Ngay trong năm đó, Bộ Thương mại đã lập hệ thống phát triển Thương mại điện tử, xây dựng 3 sàn giao dịch Thương mại điện tử tại Hà Nội, Biên Hoà (Đông Nai) và Đà Nẵng với nhiều công cụ phục vụ giao dịch, hoạch định kế hoạch kinh doanh dài hạn, giải pháp thanh toán, bảo mật chứng thực và chữ ký số. Các sàn điện tử này được kết nối với các sàn đấu giá quốc tế và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm tăng cường thông tin về kinh doanh.

Bộ Thương mại cũng đã mở Cổng Thương mại điện tử Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động Thương mại điện tử liên quan với chính sách ưu đãi từ năm 2005 đến hết 2007 cho những doanh nghiệp tham gia trong giai đọan này. Số doanh nghiệp tham gia Thương mại điện tử qua Cổng này tăng từ 300 doanh nghiệp năm 2005 lên 800 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay.

Thời gian tới, Ban quản lý cổng Thương mại điện tử quốc gia sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ tập huấn Thương mại điện tử tại doanh nghiệp nhằm hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các tiện ích, chụp hình và đăng tải sản phẩm, đồng thời, cung cấp các thông tin liên quan tới tình hình phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam và thế giới.

Chợ điện tử hiện nay không còn quá xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam như cách đây vài năm, và xu hướng mua hàng qua mạng điện tử ngày càng gia tăng như tại chợ điện tử Golmart, vào tháng 5/2006, đã có hơn 30.000 khách hàng thường xuyên đặt hàng 2 lần/tuần và hơn 10.000 khách hàng vãng lai.

Nhiều giao dịch thương mại, hành chính qua mạng đang chuẩn bị triển khai như mua vé xe buýt (của thành phố Hồ Chí Minh), bán vé máy bay của Vietnam Airlines, các giao dịch ngân hàng.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng đang đẩy mạnh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã ký kết khoản tín dụng ưu đãi trên 87 triệu USD dành cho dự án phát triển Công nghệ thông tin, một phần quan trọng của chiến lược xây dựng chính phủ điện tử và là một tác nhân quan trọng để thúc đẩy thương mại điện tử và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.



Theo TTXVN

Báo cáo phân tích thị trường